Rối loạn tâm lý Tâm thần phân liệt Triệu chứng của tâm thần phân liệt

Việc phát hiện và điều trị sớm các tình trạng bệnh lý như bệnh tim và ung thư đã cải thiện tỷ lệ sống sót và chất lượng cuộc sống cho những người mắc các bệnh lý này. Một cách tiếp cận mới liên quan đến việc xác định những người có các triệu chứng rối loạn tâm thần nhỏ, chẳng hạn như nội dung suy nghĩ bất thường, hoang tưởng, giao tiếp kỳ quặc, ảo tưởng, thường gặp rắc rối ở trường hoặc nơi làm việc và suy giảm chức năng xã hội — vốn được xem là những tiền triệu chứng — và theo dõi những người này theo thời gian để xác định ai trong số họ sẽ phát triển một trong những loại rối loạn tâm thần và những yếu tố nào sẽ dự đoán chính xác nhất về loại rối loạn đó. Một số yếu tố đã được xác định có khả năng dự đoán cao hơn các tiền triệu chứng sẽ phát triển rối loạn tâm thần gồm có: nguy cơ di truyền (tiền sử gia đình bị rối loạn tâm thần), sự suy giảm chức năng thời điểm gần đây, mức độ suy nghĩ bất thường cao, mức độ nghi ngờ hoặc hoang tưởng cao, chức năng xã hội kém và có tiền sử lạm dụng chất kích thích (Fusar-Poli và cộng sự, 2013). Nghiên cứu sâu hơn sẽ cho phép dự đoán chính xác hơn về nhóm người có nguy cơ cao nhất phát triển tâm thần phân liệt, và từ đó các nỗ lực can thiệp sớm hơn sẽ được hướng tới.

Các triệu chứng chính của tâm thần phân liệt bao gồm ảo giác, hoang tưởng, suy nghĩ vô tổ chức, hành vi vận động vô tổ chức hoặc bất thường và các triệu chứng âm tính (APA, 2013). Ảo giác là một trải nghiệm tri giác xảy ra mặc dù không hề có kích thích bên ngoài. Ảo giác thính giác (nghe thấy giọng nói) xảy ra ở khoảng 2/3 bệnh nhân tâm thần phân liệt và cho đến nay là dạng ảo giác phổ biến nhất (Andreasen, 1987). Giọng nói có thể quen thuộc hoặc không quen thuộc, họ có thể trò chuyện hoặc tranh luận hoặc giọng nói đó có thể cung cấp một lời dẫn xuyên suốt về hành vi của người đó (Tsuang, Farone, & Green, 1999).

Hoang tưởng là những niềm tin trái với thực tế và duy trì bền vững ngay cả khi đối mặt với những bằng chứng hoàn toàn ngược lại. Nhiều số người trong chúng ta tin rằng có một số niềm tin được xem là kỳ quặc, nhưng hoang tưởng thì lại có thể dễ dàng được nhận ra bởi vì sự vô lý của nó là rõ rệt. Một người bị tâm thần phân liệt có thể tin rằng mẹ anh ta đang âm mưu với Cục Điều tra Liên bang (FBI) đầu độc cà phê của anh, hoặc người hàng xóm của anh ta là một gián điệp được thuê từ kẻ thù muốn giết anh ta. Những loại hoang tưởng này được gọi là hoang tưởng nghi hoặc [paranoid delusions], liên quan đến niềm tin (sai lầm) rằng người khác hoặc cơ quan nào đó đang âm mưu làm hại mình. Những người bị tâm thần phân liệt cũng có thể có hoang tưởng khuếch đại [grandiose delusions], niềm tin rằng mình là người nắm giữ quyền lực đặc biệt, kiến thức độc đáo hoặc có vai trò cực kỳ quan trọng. Ví dụ, người tự xưng là Chúa Giê-xu, hoặc người tuyên bố sở hữu những kiến thức từ 5.000 năm trước, hoặc người tự xưng là triết gia vĩ đại đang trải nghiệm dạng hoang tưởng tự cao. Những hoang tưởng khác bao gồm niềm tin rằng suy nghĩ của mình đang bị tước đi (suy nghĩ bị bòn rút) hoặc suy nghĩ đã bị gán vào đầu của mình (suy nghĩ bị chèn thêm). Một loại hoang tưởng khác là hoang tưởng thân thể, là niềm tin rằng có điều gì đó rất bất thường đang xảy ra với cơ thể của một người (Ví dụ: thận của mình đang bị gián ăn).

Suy nghĩ vô tổ chức nói đến quá trình suy nghĩ rời rạc và không mạch lạc — thường được phát hiện qua nội dung một người nói ra. Người đó có thể nói lan man, thể hiện sự liên kết lỏng lẻo (nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác) hoặc nói một cách vô tổ chức và khó hiểu đến mức có vẻ như người đó đang kết hợp các từ một cách vô cùng ngẫu nhiên. Suy nghĩ vô tổ chức cũng được thể hiện bằng những nhận xét phi lô-gíc một cách trắng trợn (ví dụ: "Công viên Tao Đàn ở Quận 3. Tôi sống ở Quận 3. Do đó, tôi sống ở Công viên Tao Đàn.") và theo tính tiếp tuyến: phản hồi lại lời hoặc câu hỏi của người khác bằng những nhận xét gần như rất ít liên quan hoặc không hề liên quan đến những gì đã được nói hoặc được hỏi. Ví dụ: nếu một người được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt được hỏi liệu cô ấy có muốn được tham gia đào tạo nghề đặc biệt hay không, cô ấy có thể nói rằng cô ấy đã từng đi một chuyến tàu ở đâu đó. Đối với một người bị tâm thần phân liệt, mối kết nối tiếp tuyến (liên quan rất nhỏ) giữa việc đào tạo nghề và đi tàu là khá đủ để dẫn đến phản hồi như vậy.

Hành vi vận động vô tổ chức hoặc bất thường nói đến các hành vi và cử động cơ thể bất thường: trở nên năng động bất thường, biểu hiện các hành vi ngớ ngẩn giống như trẻ con (cười khúc khích và tự cười đắc ý), thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại và không có mục đích rõ ràng, hoặc biểu hiện các nét mặt và cử chỉ kỳ quặc. Trong một số trường hợp, người đó sẽ biểu hiện các hành vi căng trương lực [catatonic], các hành vi này cho thấy giảm khả năng phản ứng với môi trường, chẳng hạn như việc điều chỉnh tư thế, mà ở đó người đó duy trì một tư thế cứng nhắc và kỳ quái trong thời gian dài hoặc sững sờ căng trương lực [catatonic stupor], hoàn toàn thiếu đi các cử động và hành vi về lời.

Các triệu chứng âm tính là những triệu chứng phản ánh sự giảm sút đáng kể và thậm chí biến mất một số hành vi, cảm xúc hoặc động lực thúc đẩy (Green, 2001). Một người có biểu hiện cảm xúc giảm sút không biểu lộ bất kỳ cảm xúc nào trên nét mặt, lời nói hoặc cử động của mình, ngay cả khi những bộc lộ đó là bình thường hoặc được mong đợi. Thiếu động lực trong tâm thần phân liệt [avolition] được đặc trưng bởi sự thiếu động lực thực hiện các hoạt động tự thân và có ý nghĩa, bao gồm những nhiệm vụ cơ bản nhất, chẳng hạn như tắm rửa và chải chuốt. Chứng mất khả năng nói [Alogia] nhắc đến vấn đề giảm chức năng nói; nói một cách dễ hiểu, bệnh nhân nói rất ít. Một triệu chứng âm tính khác là thờ ơ xã hội, hoặc thu rút xã hội và mất hứng thú tham gia vào các tương tác xã hội với người khác. Một triệu chứng âm tính cuối cùng, cảm giác mất khả năng cảm nhận niềm vui [anhedonia], mô tả việc một người không có khả năng trải nghiệm niềm vui thích trong cuộc sống. Một người trải nghiệm sự mất khả năng cảm nhận niềm vui thể hiện ít quan tâm đến những gì mà hầu hết mọi người coi là hoạt động thú vị, chẳng hạn như sở thích, hoạt động giải trí hoặc hoạt động tình dục.