Rối loạn tâm lý Chẩn đoán rối loạn tâm lý

Chẩn đoán rối loạn tâm lý

Đã đọc 0%

Có lẽ cách tiếp cận đơn giản nhất để hình thành khái niệm về các rối loạn tâm lý là gắn nhãn các hành vi, suy nghĩ và trải nghiệm là không điển hình, đau khổ, rối loạn chức năng và đôi khi thậm chí nguy hiểm, là dấu hiệu của một rối loạn. Ví dụ, nếu bạn yêu cầu một người bạn cùng lớp hẹn hò và bạn bị từ chối, có lẽ bạn sẽ cảm thấy hơi chán nản. Cảm giác như vậy sẽ là bình thường. Nếu bạn cảm thấy vô cùng chán nản - đến mức bạn mất hứng thú với các hoạt động, khó ăn hoặc khó ngủ, cảm thấy hoàn toàn vô dụng và có ý định tự sát - thì cảm giác của bạn sẽ không điển hình, sẽ đi chệch khỏi tiêu chuẩn và có thể là dấu hiệu của sự hiện diện của tâm lý rối loạn. Tuy nhiên, chỉ vì điều gì đó không điển hình không nhất thiết có nghĩa là nó bị rối loạn.

Nếu chúng ta có thể đồng ý rằng chỉ đơn thuần không điển hình hay không phổ biến là chưa đủ tiêu chuẩn để coi đó là rối loạn tâm lý, thì liệu có hợp lý để coi hành vi hoặc trải nghiệm khác với các giá trị hoặc kỳ vọng văn hóa được mong đợi là rối loạn không? Sử dụng tiêu chí này, một người đi quanh sân ga tàu điện ngầm mặc chiếc áo khoác mùa đông dày cộp vào tháng 7 trong khi la hét những lời tục tĩu với người lạ có thể bị coi là có các triệu chứng rối loạn tâm lý. Hành động và quần áo của họ vi phạm các quy tắc được xã hội chấp nhận về cách ăn mặc và hành vi phù hợp; những đặc điểm này không điển hình. Vi phạm các kỳ vọng về văn hóa, bản thân nó không phải là một phương tiện thỏa đáng để xác định sự hiện diện của rối loạn tâm lý. Bởi vì văn hóa có sự khác biệt với nhau chính thế hành vi sẽ khác nhau giữa các nền văn hóa, những gì có thể được mong đợi và được coi là phù hợp ở một nền văn hóa có thể không được xem như vậy ở các nền văn hóa khác. Ví dụ: việc đáp lại nụ cười của một người lạ được mong đợi ở Hoa Kỳ vì một quy chuẩn xã hội phổ biến khiến chúng ta phải đáp lại những cử chỉ thân thiện. Một người từ chối thừa nhận những cử chỉ như vậy có thể bị coi là khó khăn về mặt xã hội - thậm chí có thể là vô văn hóa - vì vi phạm kỳ vọng này. Tuy nhiên, những kỳ vọng như vậy không được chia sẻ rộng rãi. Văn hóa ở Nhật Bản liên quan đến việc thể hiện sự dè dặt, kiềm chế và quan tâm đến việc duy trì sự riêng tư xung quanh người lạ. Người Nhật thường không phản ứng với nụ cười từ người lạ (Patterson và cộng sự, 2007). Giao tiếp bằng mắt cung cấp một ví dụ khác. Ở Hoa Kỳ và Châu Âu, giao tiếp bằng mắt với người khác thường biểu thị sự trung thực và chú ý. Tuy nhiên, hầu hết các nền văn hóa Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi giải thích giao tiếp bằng mắt trực tiếp là thô lỗ, đối đầu và hung hăng (Pazain, 2010). Vì vậy, ai đó giao tiếp bằng mắt với bạn có thể được coi là thích hợp và tôn trọng hoặc trơ trẽn và xúc phạm, tùy thuộc vào văn hóa của bạn.

Ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những thứ không có mặt thực tế) trong các xã hội phương Tây là vi phạm kỳ vọng văn hóa và một người báo cáo những trải nghiệm như vậy dễ bị gán cho là bị rối loạn tâm lý. Trong các nền văn hóa khác, ví dụ, nhà tiên tri, bà đồng, thầy cúng có thể nói nhăng nói cuội các sự kiện trong tương lai có thể được coi là bình thường có giá trị tích cực, thậm chí còn được phong thần phong thánh. Cuối cùng, điều quan trọng là phải nhận ra rằng các chuẩn mực văn hóa thay đổi theo thời gian: những gì có thể được coi là điển hình trong một xã hội tại một thời điểm có thể không còn được nhìn nhận theo cách này sau này, tương tự như cách các xu hướng thời trang từ một thời đại có thể tạo ra những cái nhìn kỳ lạ trong nhiều thập kỷ sau đó – bạn mặc quần vải ống loe, chân dép tổ ong dạo quanh sân trường trong thời buổi hiện nay.

Tuy nhiên, một trong những khái niệm có ảnh hưởng hơn đã được đề xuất bởi Wakefield (1992), người đã định nghĩa rối loạn tâm lý là một rối loạn chức năng có hại. Wakefield lập luận rằng các cơ chế tự nhiên bên trong, tức là các quá trình tâm lý được mài dũa bởi sự tiến hóa, chẳng hạn như tri giác, nhận thức và học tập có các chức năng quan trọng, chẳng hạn như cho phép chúng ta trải nghiệm thế giới theo cách người khác làm và tham gia vào suy nghĩ hợp lý, giải quyết vấn đề và giao tiếp. Ví dụ, học tập cho phép chúng ta liên kết nỗi sợ hãi với một mối nguy hiểm tiềm ẩn theo cách mà cường độ của nỗi sợ hãi gần bằng mức độ nguy hiểm thực tế. Rối loạn chức năng xảy ra khi một cơ chế bên trong bị hỏng và không thể thực hiện chức năng bình thường của nó nữa. Tuy nhiên, sự hiện diện của một rối loạn chức năng tự nó không xác định một rối loạn. Rối loạn chức năng phải có hại ở chỗ nó dẫn đến hậu quả tiêu cực cho cá nhân hoặc cho người khác, như được đánh giá bởi các tiêu chuẩn của văn hóa cá nhân. Tác hại có thể bao gồm nỗi thống khổ đáng kể bên trong (ví dụ, mức độ lo lắng hoặc trầm cảm cao) hoặc các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày (ví dụ: trong cuộc sống xã hội hoặc công việc của một người).

Ví dụ minh họa, Ngọc cực kỳ sợ nhện. Nỗi sợ hãi của Ngọc có thể được coi là một chứng rối loạn chức năng trong đó nó báo hiệu rằng cơ chế học tập bên trong hoạt động không chính xác (tức là một quy trình bị lỗi ngăn Ngọc liên kết mức độ sợ hãi với mối đe dọa thực sự do nhện gây ra). Nỗi sợ nhện của Ngọc có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến cuộc sống hàng ngày: cô ấy tránh tất cả các tình huống mà cô ấy nghi ngờ có nhện (ví dụ: tầng hầm hoặc nhà của một người bạn) và cô ấy đã bỏ việc vào tháng trước vì cô ấy nhìn thấy một con nhện trong nhà vệ sinh tại nơi làm việc và hiện đang thất nghiệp. Theo mô hình rối loạn chức năng có hại, tình trạng của Ngọc sẽ biểu hiện một chứng rối loạn vì (a) có rối loạn chức năng trong một cơ chế bên trong và (b) rối loạn chức năng dẫn đến hậu quả có hại. Tương tự như cách các triệu chứng của bệnh thể chất phản ánh sự rối loạn chức năng trong các quá trình sinh học, các triệu chứng của rối loạn tâm lý có lẽ phản ánh sự rối loạn trong các quá trình tâm lý. Thành phần cơ chế bên trong của mô hình này đặc biệt hấp dẫn vì nó ngụ ý rằng các rối loạn có thể xảy ra thông qua sự phá vỡ các chức năng sinh học chi phối các quá trình tâm lý khác nhau, do đó nó hỗ trợ các mô hình sinh học thần kinh hiện đại về các rối loạn tâm lý (Fabrega, 2007).

Nhiều đặc điểm của mô hình rối loạn chức năng có hại được đưa vào định nghĩa chính thức về rối loạn tâm lý do Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) phát triển. Theo APA (2013), rối loạn tâm lý là một tình trạng được cho là bao gồm những điều sau đây: Có những xáo trộn đáng kể trong suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Một người phải trải qua các trạng thái nội tâm (ví dụ: suy nghĩ và / hoặc cảm xúc) và thể hiện các hành vi rõ ràng là bị rối loạn (tức là bất thường), nhưng theo cách tiêu cực, tự hoại bản thân.

Thông thường, những xáo trộn như vậy sẽ gây phiền hà cho những người xung quanh. Ví dụ: một người không kiểm soát được mối bận tâm của những ý nghĩ về vi khuẩn, dành hàng giờ để tắm mỗi ngày, có những trải nghiệm nội tâm và thể hiện những hành vi mà hầu hết mọi người đều coi là không điển hình và tiêu cực (bị quấy rầy) và điều đó có thể gây phiền toái cho các thành viên khác trong gia đình.

Những rối loạn phản ánh một số loại rối loạn chức năng sinh học, tâm lý hoặc phát triển. Các mô hình trải nghiệm và hành vi nội tâm bị xáo trộn nên phản ánh một số khiếm khuyết (rối loạn chức năng) trong các cơ chế sinh học, tâm lý và phát triển bên trong dẫn đến hoạt động tâm lý không bình thường, kém lành mạnh. Ví dụ, ảo giác quan sát thấy ở bệnh tâm thần phân liệt có thể là dấu hiệu của những bất thường về não.

Những xáo trộn dẫn đến đau khổ hoặc khiếm khuyết nghiêm trọng trong cuộc sống của một người. Những trải nghiệm nội tâm và hành vi bên ngoài của một người được coi là phản ánh rối loạn tâm lý nếu chúng khiến người đó đau khổ đáng kể hoặc làm suy giảm đáng kể khả năng hoạt động như một cá nhân bình thường (thường được gọi là suy giảm chức năng hoặc suy giảm nghề nghiệp và xã hội). Như một ví dụ minh họa, nỗi sợ hãi của một người đối với các tình huống xã hội có thể gây đau khổ đến mức khiến người đó tránh tất cả các tình huống xã hội (ví dụ: ngăn cản người đó có thể tham gia lớp học hoặc xin việc).

Những xáo trộn không phản ánh phản ứng kỳ vọng hoặc được chấp thuận về mặt văn hóa đối với một số sự kiện. Những xáo trộn trong suy nghĩ, cảm xúc và hành vi phải là những phản ứng không thể chấp nhận được về mặt xã hội đối với một số sự kiện thường xảy ra trong cuộc sống. Ví dụ, hoàn toàn tự nhiên (và được mong đợi) rằng một người sẽ trải qua nỗi buồn lớn và có thể muốn được yên sau cái chết của một thành viên thân thiết trong gia đình. Vì những phản ứng như vậy theo một cách nào đó được mong đợi về mặt văn hóa, nên người đó sẽ không bị cho là có biểu hiện của rối loạn tâm thần.

Một số người tin rằng không có tiêu chí thiết yếu hoặc bộ tiêu chí nào có thể phân biệt rõ ràng tất cả các trường hợp rối loạn với không rối loạn (Lilienfeld &; Marino, 1999). Trên thực tế, không có cách tiếp cận đơn lẻ nào để xác định rối loạn tâm lý tự nó là đủ, cũng như không có thỏa thuận chung về ranh giới giữa rối loạn và không rối loạn. Đôi khi, tất cả chúng ta đều trải qua lo lắng, những suy nghĩ không mong muốn và những khoảnh khắc buồn bã; hành vi của chúng ta vào những thời điểm khác có thể không có nhiều ý nghĩa đối với bản thân hoặc người khác. Những trải nghiệm nội tâm và hành vi này có thể khác nhau về cường độ, nhưng chỉ được coi là rối loạn khi chúng gây khó chịu cho chúng ta và (hoặc) những người khác, cho thấy sự rối loạn chức năng tâm thần không bình thường và có liên quan đến tình trạng đau khổ hoặc khiếm khuyết đáng kể trong các hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp.

Bước đầu tiên trong việc chẩn đoán các rối loạn tâm lý là nhận ra các dấu hiệu và triệu chứng quan trọng một cách cẩn thận và có hệ thống. Làm cách nào để các chuyên gia sức khỏe tâm thần xác định liệu các trạng thái bên trong và hành vi bên ngoài của một người có thực sự biểu hiện như là một rối loạn tâm lý hay không? Một chẩn đoán thích hợp, nghĩa là xác định và ghi nhãn một cách thích hợp cho một tập hợp các triệu chứng đã xác định, là điều hoàn toàn quan trọng và cần thiết. Quá trình này cho phép các chuyên gia sử dụng một ngôn ngữ chung với những người khác trong lĩnh vực này và hỗ trợ trong việc giao tiếp về những rối loạn với bệnh nhân (thân chủ), đồng nghiệp và công chúng. Chẩn đoán đúng là một yếu tố cần thiết để đưa ra các hướng điều trị thích hợp và thành công. Vì những lý do này, các hệ thống phân loại và tổ chức các rối loạn tâm lý một cách có hệ thống là điều cần thiết.

Mặc dù một số hệ thống phân loại đã được phát triển theo thời gian, nhưng hệ thống được hầu hết các chuyên gia sức khỏe tâm thần ở Hoa Kỳ sử dụng là Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM-5), được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (2013) (lưu ý rằng Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ khác với Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ; cả hai đều được viết tắt là APA). Ấn bản đầu tiên của DSM, xuất bản năm 1952, đã phân loại các rối loạn tâm lý theo một định dạng do Quân đội Hoa Kỳ phát triển trong Thế chiến thứ hai (Clegg, 2012). Trong những năm kể từ đó, DSM đã trải qua nhiều lần sửa đổi và xuất bản. Phiên bản gần đây nhất, được xuất bản vào năm 2013, là DSM-5 (APA, 2013) và có một số cập nhật nhỏ vào năm 2016. DSM-5 bao gồm nhiều loại rối loạn (ví dụ: rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm và rối loạn phân ly). Mỗi rối loạn được mô tả chi tiết, bao gồm tổng quan về rối loạn (là các đặc điểm chẩn đoán), các triệu chứng cụ thể cần thiết để chẩn đoán (tiêu chí chẩn đoán), thông tin về tỷ lệ hiện mắc (phần trăm dân số được cho là mắc rối loạn) và các yếu tố nguy cơ liên quan với sự rối loạn.

DSM-5 cũng cung cấp thông tin về xử xảy ra và xuất hiện cùng lúc của hai rối loạn. Ví dụ, DSM-5 đề cập rằng 41% những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) cũng đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán về rối loạn trầm cảm chủ yếu

DSM đã thay đổi đáng kể trong nửa thế kỷ kể từ khi nó được xuất bản lần đầu. Ví dụ, hai ấn bản đầu tiên của DSM đã liệt kê đồng tính luyến ái là một loại rối loạn; tuy nhiên, vào năm 1973, APA đã bỏ phiếu loại bỏ nó khỏi sách (Silverstein, 2009). Mặc dù DSM-III không liệt kê đồng tính luyến ái là một rối loạn, nhưng nó đã đưa ra một chẩn đoán mới, đồng tính luyến ái tự ngã, nhấn mạnh đến tình dục đồng giới mà người mắc coi là can thiệp vào các mối quan hệ khác giới mong muốn và gây ra đau khổ cho cá nhân. Chẩn đoán mới này được nhiều người coi là một sự thỏa hiệp để xoa dịu những người coi đồng tính luyến ái như một rối loạn tâm thần. Các chuyên gia khác đã đặt câu hỏi về mức độ phù hợp để có một chẩn đoán riêng biệt mô tả nội dung của nỗi đau khổ của một cá nhân. Năm 1986, chẩn đoán này cũng đã bị xóa khỏi DSM-III-R (Herek, 2012). Ngoài ra, bắt đầu với DSM- III vào năm 1980, các rối loạn tâm thần đã được mô tả chi tiết hơn nhiều và số lượng các tình trạng có thể chẩn đoán đã tăng lên đều đặn, cũng vì thế mà cuốn sách ngày càng dày thêm. DSM-I bao gồm 106 chẩn đoán và tổng cộng 130 trang, trong khi DSM-III bao gồm gấp hơn 2 lần số lượng chẩn đoán (265) và gần gấp bảy lần kích thước của nó (886 trang tổng số) (Mayes & Horowitz, 2005). Mặc dù DSM-5 dài hơn DSM-IV, khối lượng chỉ bao gồm 237 rối loạn, trong khi 297 là số lượng rối loạn được liệt kê trong DSM-IV. Phiên bản mới nhất, DSM-5, bao gồm các sửa đổi trong tổ chức và đặt tên các loại và trong tiêu chuẩn chẩn đoán cho các rối loạn khác nhau (Regier, Kuhl, & Kupfer, 2012), đồng thời nhấn mạnh xem xét cẩn thận tầm quan trọng của giới tính và sự khác biệt văn hóa trong việc biểu hiện các triệu chứng khác nhau (Fisher, 2010).

Một số người tin rằng việc thiết lập các chẩn đoán mới có thể làm người ta bị tổn thương quá mức bằng cách biến các vấn đề thông thường của họ trở thành rối loạn tâm thần (The Associated Press, 2013). Thật vậy, phát hiện ra rằng gần một nửa số người Mỹ sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn cho các rối loạn trong DSM vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời (Kessler và cộng sự, 2005) có thể thúc đẩy phần lớn sự hoài nghi này. DSM-5 cũng bị chỉ trích với lý do các tiêu chí chẩn đoán của nó đã bị nới lỏng, do đó có nguy cơ “biến lạm phát chẩn đoán hiện tại của chúng ta thành siêu lạm phát chẩn đoán” (Frances, 2012). Ví dụ, DSM-IV quy định rằng các triệu chứng của rối loạn trầm cảm chủ yếu không được quy cho người mất người thân bình thường. Tuy nhiên, DSM-5 đã loại bỏ loại trừ quy định này, như vậy về cơ bản có nghĩa là đau khổ và buồn bã sau cái chết của một người thân yêu có thể tạo thành rối loạn trầm cảm chủ yếu.

Hệ thống phân loại thứ hai là Hệ thống Phân loại Bệnh tật Quốc tế (ICD), cũng được công nhận rộng rãi. Được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, ICD được phát triển ở Châu Âu ngay sau Thế chiến II và cũng giống như DSM, đã được sửa đổi nhiều lần. Các loại rối loạn tâm lý trong cả DSM và ICD là tương tự nhau, cũng như tiêu chuẩn cho các rối loạn cụ thể; tuy nhiên, một số khác biệt tồn tại. Mặc dù ICD được sử dụng cho các mục đích lâm sàng, công cụ này cũng được sử dụng để kiểm tra sức khỏe chung của dân số và theo dõi tỷ lệ mắc bệnh và các vấn đề sức khỏe khác trên toàn thế giới (WHO, 2013). ICD là phiên bản thứ 10 (ICD-10); tuy nhiên, các nỗ lực hiện đang được tiến hành để phát triển một phiên bản mới (ICD-11) sắp được phát hành chính thức thay thế phiên bản cũ, cùng với những thay đổi trong DSM-5, sẽ giúp hai hệ thống phân loại trở nên hài hòa hơn (APA, 2013).

Một nghiên cứu so sánh việc sử dụng hai hệ thống phân loại cho thấy rằng trên toàn thế giới ICD được sử dụng thường xuyên hơn để chẩn đoán lâm sàng, trong khi DSM được đánh giá cao hơn cho nghiên cứu (Mezzich, 2002). Hầu hết các kết quả nghiên cứu liên quan đến căn nguyên và điều trị các rối loạn tâm lý đều dựa trên các tiêu chí đưa ra trong DSM (Oltmanns & Castonguay, 2013). DSM cũng bao gồm các tiêu chí rối loạn rõ ràng hơn, cùng với một văn bản giải thích rộng rãi và hữu ích (Regier et al., 2012). DSM là hệ thống phân loại được các chuyên gia sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ lựa chọn và bài đọc về các rối loạn tâm lý sau đây chính là dựa trên mô hình của DSM.