Rối loạn tâm lý Sang chấn tâm lý

Sang chấn tâm lý

Đã đọc 0%

Các sự kiện căng thẳng cực độ hoặc gây chấn thương, chẳng hạn như chiến đấu, thiên tai và các cuộc tấn công khủng bố, khiến những người trải qua chúng có nguy cơ cao về hình thành các rối loạn tâm lý như sang chấn tâm lý hay còn được gọi đầy đủ là rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Trong suốt phần lớn thế kỷ 20, rối loạn này được gọi là “sốc vỏ đạn” (Shell sock) và “Chứng loạn thần sau chiến tranh” (Combat neurosis) vì các triệu chứng của nó đã được quan sát thấy ở những người lính đã tham gia chiến đấu vào thời chiến. Vào cuối những năm 1970, rõ ràng là những phụ nữ từng trải qua những sang chấn tình dục (ví dụ: hiếp dâm, cưỡng bức trong gia đình và loạn luân) thường trải qua một loạt các triệu chứng giống như những người lính (Herman, 1997). Thuật ngữ rối loạn căng thẳng sau sang chấn được phát triển vì những triệu chứng này có thể xảy ra với bất kỳ ai từng trải qua chấn thương tâm lý.

PTSD đã được liệt kê trong số các rối loạn lo âu trong các ấn bản DSM trước đây. Trong DSM-5, nó hiện được liệt kê trong một nhóm gọi là Rối loạn liên quan đến chấn thương và căng thẳng. Để một người được chẩn đoán mắc phải PTSD, người đó phải tiếp xúc, chứng kiến hoặc trải qua các chi tiết của trải nghiệm đau thương (ví dụ: người phản ứng đầu tiên), liên quan đến “cái chết thực sự hoặc bị đe dọa đến cái chết, thương tích nghiêm trọng hoặc bạo lực tình dục” ( APA, 2013, trang 271). Những trải nghiệm này có thể bao gồm các sự kiện như chiến đấu, bị đe dọa hoặc bị tấn công thân thể thực tế, tấn công tình dục, thiên tai, tấn công khủng bố và tai nạn ô tô. Tiêu chí này làm cho PTSD trở thành rối loạn duy nhất được liệt kê trong DSM trong đó nguyên nhân (chấn thương nặng) được chỉ định rõ ràng.

Các triệu chứng của PTSD bao gồm những ký ức có tính xâm nhập và đau buồn về sự kiện, hồi tưởng (trạng thái có thể kéo dài từ vài giây đến vài ngày, trong đó cá nhân hồi tưởng lại sự kiện và cư xử như thể sự kiện đang xảy ra tại thời điểm đó [APA, 2013]) , tránh các kích thích liên quan đến sự kiện, trạng thái cảm xúc tiêu cực dai dẳng (ví dụ: sợ hãi, tức giận, tội lỗi và xấu hổ), cảm giác xa cách với người khác, cáu kỉnh, dễ bị bộc phát và phản ứng giật mình quá mức (bệnh hay hốt hoảng). Để chẩn đoán PTSD, các triệu chứng này phải xảy ra trong ít nhất một tháng.

Khoảng 7% người trưởng thành ở Hoa Kỳ, bao gồm 9,7% phụ nữ và 3,6% nam giới, trải qua PTSD trong suốt cuộc đời của họ (Khảo sát Bệnh tật Quốc gia, 2007), với tỷ lệ cao hơn ở những người tiếp xúc với chấn thương hàng loạt và những người có công việc liên quan đến nghĩa vụ phải tiếp xúc với nơi phơi bày chấn thương (ví dụ, nhân viên cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và nhân viên y tế khẩn cấp) (APA, 2013). Gần 21% cư dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão Katrina bị PTSD nguyên một năm sau cơn bão (Kessler và cộng sự, 2008), và 12,6% cư dân Manhattan được quan sát là bị PTSD trong 2-3 năm sau vụ khủng bố ngày 9 tháng 11 (DiGrande và cộng sự, 2008).