Rối loạn tâm lý Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt

Đã đọc 0%

Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm lý có tính phá hủy lớn, đặc trưng bởi những nhiễu loạn phần lớn về suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc và hành vi. Khoảng 1% dân số trải qua tâm thần phân liệt trong cuộc đời của họ, và thường rối loạn này được chẩn đoán lần đầu tiên trong giai đoạn đầu ở tuổi trưởng thành (từ đầu đến giữa những năm 20 tuổi). Hầu hết những người bị tâm thần phân liệt đều gặp phải những khó khăn đáng kể trong hoạt động chức năng hằng ngày, chẳng hạn như duy trì công việc, thanh toán hóa đơn, chăm sóc bản thân (chải chuốt và vệ sinh) và duy trì mối quan hệ với người khác. Việc phải nhập viện thường xuyên thường được xem như là nguyên tắc thông thường của người mắc tâm thần phân liệt hơn là một ngoại lệ. Ngay cả khi họ nhận được các phương pháp điều trị tốt nhất hiện có, nhiều người bị tâm thần phân liệt sẽ tiếp tục bị suy giảm chức năng xã hội và nghề nghiệp với mức độ nghiêm trọng trong suốt cuộc đời của mình.

Tâm thần phân liệt là gì? Trước hết, tâm thần phân liệt không phải là tình trạng liên quan đến vấn đề nhân cách bị phân ly; nghĩa là, tâm thần phân liệt không giống với rối loạn nhân dạng phân ly (hay còn gọi là rối loạn đa nhân cách). Những rối loạn này đôi khi bị nhầm lẫn vì từ tâm thần phân liệt do bác sĩ tâm thần người Thụy Sĩ Eugen Bleuler đặt ra lần đầu tiên vào năm 1911, bắt nguồn từ những từ tiếng Hy Lạp dùng để chỉ sự “phân tách” (schizo) của các chức năng tâm linh (phrene) (Green, 2001).

Tâm thần phân liệt được coi là một rối loạn tâm thần, hoặc một dạng mà ở đó suy nghĩ, nhận thức và hành vi của một người bị suy giảm đến mức không thể hoạt động bình thường trong đời sống. Nói một cách bình dân, một người mắc rối loạn tâm thần (tức là loạn thần) bị ngắt kết nối với thế giới mà hầu hết chúng ta đang sống.