Đối với một số người bị rối loạn tâm trạng, cảm giác đau đớn tột cùng mà họ trải qua trở nên không thể chữa được. Họ bị choáng ngợp bởi sự tuyệt vọng, bị tàn phá bởi cảm giác vô dụng và gánh nặng vì không thể đưa ra cách đối phó thích đáng với những cảm giác đó, họ có thể coi tự sát là một cách giải quyết hợp lý. Tự sát, được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) định nghĩa là “cái chết do hành vi tự gây thương tích với ý định chết có chủ đích do hành vi đó gây ra” (CDC, 2013a), như là một hệ lụy của việc một người phải chịu rất nhiều việc tồi tệ xảy ra cùng một lúc (Crosby, Ortega và Melanson, 2011). Người đó không chỉ dễ bị tổn thương về mặt sinh học hoặc tâm lý mà còn phải có đủ phương tiện để thực hiện hành vi tự sát, và họ phải thiếu các yếu tố bảo vệ cần thiết (ví dụ: sự hỗ trợ xã hội từ bạn bè và gia đình, tôn giáo, kỹ năng đương đầu và kỹ năng giải quyết vân đề) cung cấp sự xoa dịu và cho phép một người đương đầu với thời điểm có những khủng hoảng hoặc đau đớn tâm lý nặng nề (Berman, 2009).
Tự sát không được liệt kê là một rối loạn trong DSM-5; tuy nhiên, mắc phải rối loạn tâm thần - đặc biệt là rối loạn tâm trạng - có nguy cơ tự sát cao nhất. Khoảng 90% những người thực hiện thành cộng các vụ tự sát được chẩn đoán trước đó mắc ít nhất một chứng rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn tâm trạng là thường xuyên nhất (Fleischman, Bertolote, Belfer, & Beautrais, 2005). Trên thực tế, mối liên hệ giữa rối loạn trầm cảm chủ yếu và tự sát rất mạnh đến mức một trong những tiêu chí chẩn đoán cho rối loạn này là ý nghĩ tự sát, như đã thảo luận ở trên (APA, 2013).
Tỷ lệ tự sát có thể khó giải thích vì một số trường hợp tử vong có vẻ là do ngẫu nhiên trên thực tế có thể là hành vi tự sát (ví dụ: tai nạn ô tô). Tuy nhiên, các cuộc điều tra về tỷ lệ tự sát của Hoa Kỳ đã khám phá ra những sự thật sau:
- Tự sát là nguyên nhân thứ 10 gây tử vong cho mọi lứa tuổi trong năm 2010 (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh [CDC], 2012).
- Có 38.364 vụ tự sát trong năm 2010 ở Hoa Kỳ - trung bình 105 vụ mỗi ngày (CDC, 2012).
- Tỷ lệ tự sát ở nam cao gấp 4 lần nữ và chiếm 79% số vụ tự tử; cầm súng là phương pháp tự sát phổ biến nhất đối với nam giới, trong khi dùng thuốc độc là phương pháp phổ biến nhất đối với phụ nữ (CDC, 2012).
- Từ năm 1991 đến năm 2003, tỷ lệ tự sát ổn định và cao hơn cả ở những người từ 65 tuổi trở lên. Tuy nhiên, kể từ năm 2001, tỷ lệ tự sát ở độ tuổi 25-64 đã tăng liên tục, và kể từ năm 2006, tỷ lệ tự sát ở những độ tuổi 65 trở lên vẫn tiếp tục tăng cao (CDC, 2013b). Sự gia tăng tỷ lệ tự sát ở những người Mỹ trung niên đã gây ra lo ngại ở một số vùng rằng những người sinh ra ở thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh (những người sinh từ năm 1946 – 1964) phải đối mặt với lo lắng về áp lực kinh tế và dễ tiếp cận với thuốc kê đơn có nguy cơ cao muốn tự sát (Parker-Pope, 2013).
- Tỷ lệ tự sát cao nhất ở Hoa Kỳ là ở người Mỹ da đỏ/thổ dân Alaska và người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha (CDC, 2013b).
- Tỷ lệ tự sát trải dài trên khắp Hoa Kỳ, với tỷ lệ cao nhất thường xuyên được tìm thấy ở các bang miền núi phía tây (Alaska, Montana, Nevada, Wyoming, Colorado và Idaho) (Berman, 2009).
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, tỷ lệ tự sát đạt đỉnh điểm vào mùa xuân (tháng 4 và tháng 5), không phải trong kỳ nghỉ lễ hoặc mùa đông. Trên thực tế, tỷ lệ tự sát thường thấp nhất trong những tháng mùa đông (Postolache và cộng sự, 2010).
Những yếu tố nguy cơ với tự sát
Nguy cơ tự sát đặc biệt cao ở những người có vấn đề về lạm dụng chất gây nghiện. Những người nghiện rượu có nguy cơ tự sát cao gấp 10 lần so với dân số chung (Wilcox, Conner, & Caine, 2004). Nguy cơ có hành vi tự sát đặc biệt cao ở những người đã từng có ý định tự sát. Trong số những người cố gắng thực hiện hành vi tự sát, 16% trong số đó thường cố gắng thực hiện hành vi này một lần nữa trong vòng một năm và hơn 21% thực hiện hành vi này một lần nữa trong vòng bốn năm (Owens, Horrocks, & House, 2002). Những người muốn tự sát có thể có nguy cơ cao thật sự đi đến cái chết nếu họ sở hữu sẵn một công cụ có khả năng gây chết người, chẳng hạn như một khẩu súng trong nhà (Brent & Bridge, 2003). Thu rút khỏi các mối quan hệ xã hội, cảm thấy như thể mình là gánh nặng cho người khác, tham gia thực hiện các hành vi cảm giác mạnh và chấp nhận chịu rủi ro có thể là tiền đề của ý nghĩ tự sát (Berman, 2009). Cảm giác bị trói buộc hoặc cảm thấy không thể thoát khỏi cảm giác đau khổ hoặc hoàn cảnh bên ngoài của một người (ví dụ: một mối quan hệ lạm dụng mà không nhìn thấy được bất kỳ lối thoát nào) cũng được dự đoán có khả năng đi đến hành vi tự sát (O’Connor, Smyth, Ferguson, Ryan và Williams, 2013). Đáng buồn thay, các báo cáo về các vụ tự sát ở trẻ vị thành niên sau các trường hợp bắt nạt trên mạng đã xuất hiện trong những năm gần đây. Trong một trường hợp được công bố rộng rãi cách đây vài năm, Phoebe Prince, một học sinh trung học 15 tuổi ở Massachusetts, đã tự tử sau khi liên tục bị bạn học quấy rối và chế nhạo qua tin nhắn và Facebook (McCabe, 2010).
Các vụ tự sát có thể có tác động lây lan cho con người. Ví dụ: việc người khác tự sát, đặc biệt là của một thành viên trong gia đình, làm tăng nguy cơ tự sát của một người (Agerbo, Nordentoft & Mortensen, 2002). Ngoài ra, các vụ tự sát được công bố rộng rãi có xu hướng gây ra các vụ bắt chước ở một số cá nhân. Một nghiên cứu kiểm tra số liệu thống kê về tự tử ở Hoa Kỳ từ năm 1947-1967 cho thấy tỷ lệ tự sát tăng vọt trong tháng đầu tiên sau khi một câu chuyện tự sát được in trên trang nhất của Thời báo New York (Phillips, 1974). Các nhà nghiên cứu Áo đã phát hiện ra sự gia tăng đáng kể về số vụ tự tử bằng súng trong ba tuần sau khi có nhiều báo cáo trên tờ báo lớn nhất của Áo về một người nổi tiếng tự sát bằng súng (Etzersdorfer, Voracek & Sonneck, 2004). Một khảo sát từ 42 nghiên cứu kết luận rằng phương tiện truyền thông đưa tin về các vụ tự tử của người nổi tiếng có nguy cơ gây ra các vụ tự tử bắt chước cao hơn 14 lần so với việc đưa tin về các vụ tự tử không phải của người nổi tiếng (Stack, 2000). Khảo sát này cũng cho thấy rằng phương tiện đưa tin rất quan trọng: những câu chuyện trên truyền hình ít có khả năng làm gia tăng các vụ tự tử hơn là những câu chuyện trên báo. Nghiên cứu cho thấy rằng có một xu hướng được nổi lên từ mạng xã hội mà ở đó người sử dụng để lại thư tuyệt mệnh trên mạng xã hội trực tuyến của mình, mặc dù không ghi nhận được mức độ nào mà các thư tuyệt mệnh trên các phương tiện đó có thể gây ra các vụ tự tử bắt chước (Ruder, Hatch, Ampanozi, Thali, & Fischer, 2011 ). Tuy nhiên, có thể phỏng đoán rằng những bức thư tuyệt mệnh do các cá nhân để lại trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến quyết định của những người dễ bị tổn thương khác nếu gặp phải chúng (Luxton, June, & Fairall, 2012).
Một yếu tố có thể góp phần vào việc tự tử là chất hóa học trong não. Nghiên cứu thần kinh đương đại cho thấy những xáo trộn trong hoạt động của serotonin có liên quan đến hành vi tự sát (Pompili et al., 2010). Mức độ serotonin thấp dự đoán những nỗ lực tự tử trong tương lai và những lần tự tử thành công, và mức độ này đã được quan sát thấy sau khi khám nghiệm tử thi ở những nạn nhân tự sát (Mann, 2003). Rối loạn chức năng serotonin, như đã nói trước đó, cũng được biết là đóng một vai trò quan trọng trong trầm cảm; mức serotonin thấp cũng có liên quan đến sự hung hăng và bốc đồng (Stanley và cộng sự, 2000). Sự kết hợp của ba đặc điểm này tạo thành một công thức tiềm năng cho tự tử - đặc biệt là tự sát kiểu bạo lực. Một nghiên cứu cổ điển được tiến hành trong những năm 1970 cho thấy rằng những bệnh nhân mắc rối loạn trầm cảm chủ yếu có mức serotonin rất thấp đã cố gắng tự tử thường xuyên hơn và dữ dội hơn những bệnh nhân có mức độ serotonin cao hơn (Asberg, Thorén, Träskman, Bertilsson, & Ringberger, 1976; Mann, 2003).
Những suy nghĩ, kế hoạch tự sát và thậm chí cả những lời ứng khẩu có vẻ thiếu suy nghĩ (“Tôi có thể sẽ tự sát vào chiều nay”) luôn phải được xem xét một cách cực kỳ nghiêm túc. Những người có dự định chấm dứt cuộc sống của họ luôn cần được giúp đỡ ngay lập tức.