Một số yếu tố gây căng thẳng liên quan đến các sự kiện hoặc tình huống gây sang chấn mà ở đó một người phải trải nghiệm cảm giác cái chết gần kề hoặc bị đe dọa đến tính mạng hoặc các thương tích nghiêm trọng. Các yếu tố gây căng thẳng trong danh mục này bao gồm tham gia chiến đấu quân sự, bị đe dọa hoặc bị công kích thật sự về thể chất (ví dụ: hành hung, tấn công tình dục, cướp bóc, lạm dụng trong thời thơ ấu), tấn công khủng bố, thiên tai (ví dụ: động đất, lũ lụt, bão) và tai nạn ô tô. Ở nam giới, người không thuộc chủng tộc da trắng và người có địa vị kinh tế xã hội thấp (SES) báo cáo đã phải trải qua số lượng sự kiện gây sang chấn nhiều hơn rất nhiều so với phụ nữ, những người thuộc chủng tộc người da trắng và các cá nhân trong các nhóm có địa vị kinh tế xã hội cao hơn (Hatch & Dohrenwend, 2007). Một số người phải tiếp xúc với các yếu tố gây căng thẳng ở cường độ quá mức có thể dẫn đến Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD): một phản ứng căng thẳng mãn tính được biểu hiện bởi các trải nghiệm và hành vi hàm chứa những ký ức đau đớn về sự kiện gây căng thẳng, dễ giật mình, thường xuyên bồn chồn, trạng thái cảm xúc tiêu cực dai dẳng, tách rời xã hội, các cơn bùng nổ cảm xúc tức giận và việc né tránh những chi tiết có thể làm gợi nhớ đến sự kiện gây sang chấn (Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ [APA], 2013).