Có hai kiểu đánh giá là đánh giá sơ cấp và đánh giá thứ cấp. Đánh giá sơ cấp liên quan đến việc đánh giá mức độ nguy hại hoặc đe dọa tiềm ẩn mà một tác nhân gây căng thẳng có thể đem lại cho mình. Một yếu tố gây căng thẳng có thể được coi là một mối đe dọa nếu người ta dự đoán rằng nó có thể dẫn đến một số kiểu hay hình thức tổn hại, mất mát hoặc hậu quả tiêu cực khác; ngược lại, một tác nhân gây căng thẳng có thể sẽ được đánh giá là một đánh giá thứ cấp nếu người ta tin rằng nó có tiềm năng đạt được lợi ích hoặc sự phát triển cá nhân. Ví dụ, một nhân viên được thăng chức lên vị trí lãnh đạo có thể sẽ coi việc thăng chức là một mối đe dọa lớn hơn nhiều nếu cô ấy tin rằng việc thăng chức sẽ dẫn đến yêu cầu công việc cao hơn khả năng của bản thân và lo lắng bản thân mình làm không được tốt. Tương tự, một sinh viên đại học sắp tốt nghiệp có thể đối mặt với sự thay đổi như một mối đe dọa hoặc thách thức.

Còn đánh giá thứ cấp về căng thẳng là kiểu đánh giá các phương án có sẵn để đối phó với tác nhân gây căng thẳng, cũng như nhận thức về mức độ hiệu quả của các phương án ấy (Lyon, 2012). Như bạn có thể nhớ lại từ những gì bạn đã học về việc tự tin và năng lực của bản thân [self-efficacy], niềm tin của một cá nhân vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ của họ là rất quan trọng (Bandura, 1994). Một mối đe dọa có xu hướng được coi là ít thảm khốc hơn nếu người ta tin rằng có thể làm được điều gì đó với nó (Lazarus & Folkman, 1984). Hãy tưởng tượng hai bà cô làm ở Viettel là Nga và Nhung, mỗi sáng họ đều sờ vào ngực mình và mỗi người đều nhận thấy một khối u ở vùng dưới bên ngực trái của họ. Mặc dù cả hai đều coi khối u ở ngực là một mối đe dọa tiềm tàng (đánh giá sơ cấp), nhưng đánh giá thứ cấp của họ khác nhau đáng kể. Khi xem xét khối u ở ngực, một số suy nghĩ chạy qua tâm trí Nga là, 'Chúa ơi, tôi có thể bị ung thư vú! Điều gì sẽ xảy ra nếu ung thư đã di căn đến phần còn lại của cơ thể và tôi không thể phục hồi? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi phải trải qua hóa trị? Tôi nghe nói rằng trải nghiệm đó thật tồi tệ! Nếu tôi phải nghỉ việc thì sao? Đối tác của tôi và tôi sẽ không có đủ tiền để trả thế chấp. Ồ, điều này thật kinh khủng… Tôi không thể đối phó với nó! ”. Mặt khác, Nhung nghĩ, “Hmm, điều này có thể không tốt. Mặc dù hầu hết các khối u đều là lành tính, nhưng tôi cần phải kiểm tra nó. Nếu đó là ung thư vú thì đã có bác sĩ lo vì kỹ thuật y học ngày nay khá tiên tiến. Tôi sẽ có rất nhiều lựa chọn khác nhau và tôi sẽ ổn thôi'. Rõ ràng, Nga và Nhung có quan điểm khác nhau về những gì có thể trở thành một tình huống rất nghiêm trọng: Nga dường như nghĩ rằng ít có thể làm được về nó, trong khi Nhung thì tin rằng, trong trường hợp xấu nhất, một số phương pháp điều trị có thể giải quyết nguy cơ này. Như vậy, Nga rõ ràng sẽ gặp căng thẳng hơn Nhung.

Để chắc chắn, một số tác nhân gây căng thẳng vốn dĩ đã gây căng thẳng hơn những tác nhân khác ở chỗ chúng đe dọa nhiều hơn và ít để lại khả năng thay đổi trong đánh giá nhận thức (ví dụ: các mối đe dọa khách quan đối với sức khỏe hoặc sự an toàn của một người). Tuy nhiên, việc đánh giá vẫn sẽ đóng một vai trò trong việc làm tăng hoặc giảm phản ứng của chúng ta đối với những sự kiện như vậy (Everly & Lating, 2002). Nếu một người đánh giá một sự kiện là có hại và tin rằng các yêu cầu do sự kiện đó đặt ra vượt quá các nguồn lực sẵn có để quản lý hoặc thích ứng với nó, người đó sẽ trải qua trạng thái căng thẳng. Ngược lại, nếu một người không đánh giá sự kiện tương tự là có hại hoặc đe dọa, thì khó có thể bị căng thẳng. Theo định nghĩa này, các sự kiện môi trường kích hoạt các phản ứng căng thẳng theo cách chúng được giải thích và ý nghĩa mà chúng được gán vào. Nói tóm lại, căng thẳng chủ yếu nằm trong mắt người xem: không phải điều gì xảy tới với bạn mà là các bạn sẽ phản ứng với nó như thế nào (Selye, 1976).