Căng thẳng tâm lý Yếu tố gây căng thẳng Sự thay đổi trong cuộc sống

Hầu hết những yếu tố gây căng thẳng mà chúng ta gặp phải ít khi dữ dội như được mô tả phía trên. Nhiều yếu tố gây căng thẳng tiềm ẩn mà con người phải đối mặt liên quan đến các sự kiện hoặc tình huống đòi hỏi chúng ta phải thực hiện những thay đổi trong cuộc sống hiện tại và cả thời gian chúng ta cần có để thích nghi với những thay đổi đó. Các ví dụ bao gồm sự qua đời của một thành viên thân thiết trong gia đình, kết hôn, ly hôn và chuyển chỗ ở (Hình 1).

Hình 1

Vào những năm 1960, hai nhà tâm thần học Thomas Holmes và Richard Rahe muốn kiểm chứng mối liên hệ giữa các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống và bệnh tật, dựa trên giả thuyết là: những sự kiện trong cuộc sống đòi hỏi những thay đổi đáng kể về thói quen sống hằng ngày của một người đều khiến người ta trở nên căng thẳng, cho dù những sự kiện này là mong muốn hay không. Họ đã phát triển Thang đánh giá điều chỉnh xã hội (SRRS), bao gồm 43 sự kiện trong đời đòi hỏi mức độ điều chỉnh bản thân khác nhau (Holmes & Rahe, 1967). Nhiều sự kiện trong cuộc sống mà hầu hết mọi người cho là dễ chịu (ví dụ: nghỉ lễ, nghỉ hưu, kết hôn) nằm trong số những sự kiện được liệt kê trong SRRS; đây là những ví dụ về các căng thẳng mang tới lợi ích [eustress]. Holmes và Rahe cũng đề xuất rằng các sự kiện này đều có thể tích lũy theo thời gian và khi chúng chất chứa càng ngày càng đầy thì nguy cơ phát triển các bệnh lý thể chất của con người cũng tăng theo.

Trong quá trình phát triển thang đo, Holmes và Rahe đã đề nghị 394 người tham gia cung cấp cho họ một mức số ước tính của mỗi người cho từng mục trong số 43 mục; mỗi mức ước tính phải thể hiện được mức độ mà những người tham gia cảm thấy mình cần phải thực hiện những điều chỉnh bản thân khi trải qua sự kiện đó. Các ước tính cho ra kết quả là điểm giá trị trung bình của mỗi sự kiện - thường được gọi là đơn vị biến đổi cuộc sống (LCU) (Rahe, McKeen & Arthur, 1967). Điểm số dao động từ 11 đến 100, đại diện cho mức độ ý thức về sự thay đổi cuộc sống mà mỗi sự kiện mang đến. Sự qua đời của người bạn đời được xếp hạng cao nhất trong thang điểm với 100 LCU và ly hôn xếp thứ hai với 73 LCU. Bên cạnh đó, thương tích cá nhân hoặc bệnh tật, kết hôn và nghỉ việc cũng được xếp hạng cao trong thang điểm với các số điểm lần lượt là 53, 50 và 47 LCU. Ngược lại, việc thay đổi nơi cư trú (20 LCU), thay đổi thói quen ăn uống (15 LCU), và các kỳ nghỉ lễ (13 LCU) được xếp hạng thấp trong thang đo (Bảng 1). Các hành vi vi phạm pháp luật nhẹ được xếp hạng thấp nhất với 11 LCU. Để hoàn thành thang điểm, những người tham gia phải chọn “có” cho các mục sự kiện mà họ thực tế đã trải qua trong vòng 12 tháng. LCU cho mỗi hạng mục đã kiểm tra được tính tổng điểm để định lượng mức độ thay đổi cuộc sống. Sự đồng tình về số lượng các hoạt động điều chỉnh bản thân để đương đầu với những sự kiện được liệt kê trên thang đánh giá rất nhất quán, thậm chí không giới hạn bởi sự khác biệt các nền văn hóa (Holmes & Masuda, 1974).

Bảng 1. Some Stressors on the Social Readjustment Rating Scale (Holmes & Rahe, 1967)
Life event Life change units
Death of a close family member 63
Personal injury or illness 53
Dismissal from work 47
Change in financial state 38
Change to different line of work 36
Outstanding personal achievement 28
Beginning or ending school 26
Change in living conditions 25
Change in working hours or conditions 20
Change in residence 20
Change in schools 20
Change in social activities 18
Change in sleeping habits 16
Change in eating habits 15
Minor violation of the law 11

Nghiên cứu mở rộng đã chứng minh rằng tích lũy một số lượng lớn các đơn vị thay đổi cuộc sống trong một khoảng thời gian ngắn (một hoặc hai năm) có liên quan đến một loạt các bệnh lý về thể chất (thậm chí tai nạn và chấn thương thể thao) và các vấn đề sức khỏe tâm thần (Monat & Lazarus,  1991; Scully, Tosi, & Banning, 2000). Trong một cuộc thử nghiệm ban đầu, các nhà nghiên cứu đã thu được điểm LCU của các nhân viên Hải quân Hoa Kỳ và Na Uy, những người đang chuẩn bị thực hiện chuyến hành trình dài 6 tháng. Đợt kiểm tra hồ sơ y tế sau đó cho thấy mối tương quan tích cực (nhưng nhỏ) giữa điểm LCU trước chuyến đi và các triệu chứng bệnh trong hành trình sáu tháng sau đó (Rahe, 1974). Thêm vào đó, họ có xu hướng gặp nhiều triệu chứng thể chất hơn, chẳng hạn như đau lưng, đau bụng, tiêu chảy và mụn trứng cá vào một số ngày đặc biệt, ở đó giá trị LCU trong báo cáo tự thực hiện của họ cao hơn đáng kể so với bình thường, chẳng hạn như ngày đám cưới của một thành viên trong gia đình (Holmes  & Holmes, 1970).

Thang đánh giá điều chỉnh xã hội (SRRS) cung cấp cho các nhà nghiên cứu một cách lượng giá đơn giản, dễ quản lý về mức độ căng thẳng trong cuộc sống của con người và nó đã được sử dụng trong hàng trăm nghiên cứu (Thoits, 2010). Mặc dù được sử dụng rộng rãi, thang đánh giá cũng nhận được nhiều lời chỉ trích. Thứ nhất, nhiều mục trong SRRS còn mơ hồ; ví dụ, cái chết của một người bạn thân có thể liên quan đến cái chết của một người bạn thời thơ ấu đã lâu không gặp mà nó yêu cầu ít những điều chỉnh về mặt xã hội (Dohrenwend, 2006). Ngoài ra, có người còn đặt ra một giả định khác rằng hiện nay các sự kiện không mong muốn trong cuộc sống đã không còn gây căng thẳng hơn những sự kiện mong muốn (Derogatis & Coons, 1993) nữa. Tuy nhiên, hầu hết các bằng chứng hiện có đều cho thấy rằng, miễn sao là các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần vẫn còn được lưu tâm, thì người ta vẫn nhận thấy các sự kiện không mong muốn hoặc sự kiện tiêu cực có liên đới chặt chẽ đến các kết quả xấu (chẳng hạn như trầm cảm) hơn là các sự kiện tích cực, sự kiện được mong muốn (Hatch & Dohrenwend, 2007). Có lẽ lời chỉ trích nghiêm trọng nhất mà thang đánh giá nhận được là nó không xem xét sự đánh giá chủ quan trong câu trả lời của người tham gia về các sự kiện cuộc đời mà nó hàm chứa. Bạn có thể ngẫm lại, việc đánh giá một tác nhân gây căng thẳng là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành khái niệm và trải nghiệm tổng thể về sự căng thẳng. Bị sa thải có thể gây thiệt hại cho một số người nhưng lại là cơ hội đáng mong chờ của một số người khác để có được một công việc tốt hơn. Dù sao thì SRRS vẫn là một trong những công cụ nổi tiếng nhất trong nghiên cứu về sự căng thẳng và nó là một công cụ hữu ích để nhận diện các nguy cơ tiềm ẩn về mặt sức khỏe liên quan đến căng thẳng (Scully và cộng sự, 2000).