Hệ thống tim mạch được cấu tạo bởi tim và hệ thống tuần hoàn máu. Trong nhiều năm, các rối loạn liên quan đến hệ thống tim mạch - được gọi là rối loạn tim mạch - đã trở thành tâm điểm chính trong nghiên cứu về các rối loạn tâm thể lý do hệ thống tim mạch được cho là nguyên nhân trọng yếu cho các phản ứng gây căng thẳng (Everly & Lating, 2002). Bệnh tim đang ở trong tình trạng này. Mỗi năm, bệnh tim gây ra khoảng 1/3 trường hợp tử vong ở Hoa Kỳ, và nó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước phát triển (Centers for Disease Control and Prevention [CDC], 2011; Shapiro, 2005).

Các triệu chứng của bệnh tim có phần khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh tim cụ thể mà người ta mắc phải, nhưng chúng thường liên quan đến đau thắt ngực — đau ngực hoặc khó chịu xảy ra khi tim không nhận đủ máu (Office on Women’s Health, 2009). Cơn đau thường có cảm giác như ngực bị đè hoặc bị ép chặt; cảm giác nóng rát ở ngực và khó thở cũng thường được ghi nhận. Những cơn đau và khó chịu như vậy có thể lan đến cánh tay, cổ, hàm, dạ dày (như buồn nôn) và lưng (American Heart Association [AHA], 2012a) (Hình 2).

Hình 2

Một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim là tăng huyết áp, tức là huyết áp cao. Tăng huyết áp buộc tim của một người phải bơm mạnh hơn, do đó gây ra nhiều căng thẳng về thể chất hơn cho tim. Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ hoặc suy tim; nó cũng có thể dẫn đến suy thận và mù lòa. Tăng huyết áp là một rối loạn tim mạch nghiêm trọng, và đôi khi nó được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì nó không có triệu chứng - người bị huyết áp cao thậm chí có thể không biết về nó (AHA, 2012b).

Nhiều yếu tố nguy cơ góp phần gây rối loạn tim mạch đã được xác định. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm các yếu tố quyết định xã hội như tuổi tác, thu nhập, giáo dục và tình trạng việc làm, cũng như các yếu tố nguy cơ hành vi bao gồm chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng thuốc lá, lười vận động và uống quá nhiều rượu;  béo phì và tiểu đường là những yếu tố nguy cơ bổ sung (World Health Organization [WHO], 2013).

Trong vài thập kỷ qua, đã có nhiều sự công nhận và nhận thức được tầm quan trọng của căng thẳng và các yếu tố tâm lý khác đối với sức khỏe tim mạch (Nusair, Al-dadah, & Kumar, 2012). Thật vậy, việc tiếp xúc với nhiều loại tác nhân gây căng thẳng cũng có liên quan đến các vấn đề tim mạch; trong trường hợp tăng huyết áp, một số yếu tố gây căng thẳng bao gồm căng thẳng công việc (Trudel, Brisson, & Milot, 2010), thiên tai (Saito, Kim, Maekawa, Ikeda, & Yokoyama, 1997), xung đột hôn nhân (Nealey-Moore, Smith,  Uchino, Hawkins, & Olson-Cerny, 2007), và tiếp xúc với mức độ tiếng ồn giao thông cao tại nhà (de Kluizenaar, Gansevoort, Miedema, & de Jong, 2007). Nhận thức phân biệt đối xử dường như có liên quan đến tăng huyết áp ở người Mỹ gốc Phi (Sims và cộng sự, 2012). Ngoài ra, các nhiệm vụ căng thẳng về nghiên cứu, chẳng hạn như thực hiện tính nhẩm dưới áp lực thời gian, nhúng tay vào nước đá (được gọi là kiểm tra lực ép lạnh), dựng hình qua gương và nói trước đám đông đều được chứng minh có khả năng làm tăng huyết áp (Phillips,  2011).

Bạn thuộc Loại A hay Loại B?

Đôi khi các ý tưởng và lý thuyết nghiên cứu xuất phát từ những quan sát có vẻ tầm thường. Vào những năm 1950, bác sĩ tim mạch Meyer Friedman đang xem xét đồ nội thất trong phòng chờ của mình, bao gồm những chiếc ghế bọc có tay vịn. Friedman quyết định bọc lại những chiếc ghế này. Khi người đàn ông đến văn phòng thực hiện việc bọc ghế, anh ta bình luận về những chiếc ghế này theo một cách rất độc đáo - các mép trước của đệm, cũng như các đầu phía trước của tay vịn, đã bị mòn. Có vẻ như bệnh nhân tim mạch thường gõ hoặc bóp vào mặt trước của tay vịn, cũng như thường ngồi trên rìa ghế của họ (Friedman & Rosenman, 1974). Vậy bệnh nhân tim mạch có gì khác biệt so với các nhóm bệnh nhân khác không? Nếu có, tại sao?

Sau khi nghiên cứu vấn đề này, Friedman và đồng nghiệp của ông, Ray Rosenman, đã hiểu ra rằng những người dễ mắc bệnh tim thường có xu hướng suy nghĩ, cảm nhận và hành động khác với những người không mắc bệnh. Những người này có xu hướng tham công tiếc việc, bận tâm đến các thời hạn phải hoàn thành và dường như luôn vội vàng. Theo Friedman và Rosenman, những cá nhân này thể hiện kiểu hành vi Loại A; còn những người thoải mái và thả lỏng hơn được đặc trưng là Loại B. Trong một mẫu nghiên cứu về Loại A và Loại B, Friedman và Rosenman đã giật mình khi phát hiện ra rằng số lượng những người ở nhóm Loại A mắc bệnh tim nhiều hơn gấp bảy lần so với người ở nhóm Loại B (Friedman & Rosenman, 1959).

Các yếu tố chính của khuôn mẫu người thuộc Loại A bao gồm họ thường cố gắng chật vật để đạt được nhiều thứ nhất có thể trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể (Friedman & Rosenman, 1974). Các đặc điểm cụ thể của mẫu Loại A bao gồm động lực cạnh tranh quá mức, cảm giác cấp bách về thời gian, thiếu kiên nhẫn và thù địch với người khác (đặc biệt là những người cản đường người đó).

Một ví dụ về một người thể hiện kiểu hành vi Loại A là Jeffrey. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Jeffrey đã là người rất mạnh mẽ và quyết liệt. Anh ta thể hiện xuất sắc ở trường, là đội trưởng đội bơi lội, và tốt nghiệp loại ưu tại một trường thuộc hệ thống Ivy League. Jeffrey dường như không bao giờ có thể thư giãn; anh ấy luôn làm việc gì đó, kể cả vào cuối tuần. Tuy nhiên, Jeffrey dường như luôn cảm thấy như thể không có đủ thời gian trong một ngày để hoàn thành tất cả những gì anh ấy cảm thấy cần phải làm. Anh tình nguyện nhận thêm các nhiệm vụ tại nơi làm việc và thường mang công việc về nhà với mình; thường đi ngủ muộn vào ban đêm vì cảm thấy mình chưa làm đủ. Jeffrey rất nóng tính với đồng nghiệp; anh ta thường trở nên kích động đáng kể khi đối mặt với những đồng nghiệp mà anh cảm thấy họ làm việc quá chậm hoặc công việc không đạt tiêu chuẩn như anh trông đợi. Jeffrey thường phản ứng với thái độ thù địch khi bị ai đó làm gián đoạn công việc. Anh ấy đã trải qua những rắc rối trong hôn nhân vì thiếu thời gian dành cho gia đình. Khi bị kẹt xe trên đường đi làm, Jeffrey không ngừng bóp còi và chửi bới những người lái xe khác. Khi Jeffrey 52 tuổi, ông bị cơn đau tim đầu tiên.

Vào những năm 1970, phần lớn các bác sĩ tim mạch đang hành nghề tin rằng kiểu hành vi Loại A là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh tim (Friedman, 1977). Thật vậy, một số điều tra cắt dọc ban đầu đã chứng minh mối liên hệ giữa kiểu hành vi Loại A và sự phát triển sau này của bệnh tim (Rosenman và cộng sự, 1975; Haynes, Feinleib & Kannel, 1980).

Nghiên cứu tiếp nối đã thực hiện kiểm chứng về mối liên quan giữa Loại A và bệnh tim, tuy nhiên, lại không thể lặp lại những phát hiện trước đó (Glassman, 2007; Myrtek, 2001). Vì lý thuyết Loại A không thành công như họ đã hy vọng, các nhà nghiên cứu chuyển sự chú ý sang việc xác định xem có bất kỳ yếu tố cụ thể nào của Loại A dự đoán bệnh tim hay không.

Nghiên cứu mở rộng cho thấy rõ rằng chiều hướng giận dữ/thù địch của kiểu hành vi Loại A có thể là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển của bệnh tim. Mối quan hệ này ban đầu được mô tả trong nghiên cứu Haynes et al. (1980) được đề cập phía trên: Sự kìm nén cảm giác thù địch được nhận thấy có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim cho cả nam và nữ. Ngoài ra, một cuộc điều tra đã theo dõi hơn 1.000 nam sinh viên y khoa trong khoảng 32 đến 48 tuổi. Khi bắt đầu nghiên cứu, những người đàn ông này đã hoàn thành một bảng câu hỏi đánh giá cách họ phản ứng với áp lực; một số chỉ ra rằng họ có cách phản ứng với mức độ giận dữ cao, trong khi những người khác chỉ ra rằng họ có cách phản ứng với mức độ giận dữ nhẹ hơn. Nhiều thập kỷ sau, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người trước đó có mức độ tức giận cao nhất có khả năng bị đau tim ở tuổi 55 cao hơn đến 6 lần so với những người biểu hiện ít tức giận hơn và họ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 3,5 lần những người khác cũng trong cùng độ tuổi (Chang, Ford, Meoni, Wang, & Klag, 2002). Từ quan điểm sức khỏe, rõ ràng ta không hề trả khoản phí nào để trở thành một người nóng nảy.

Sau khi xem xét và tổng kết một cách có thống kê 35 nghiên cứu từ năm 1983 đến 2006, Chida và Steptoe (2009) kết luận rằng phần lớn các bằng chứng cho thấy sự tức giận và thù địch tạo thành các yếu tố nguy cơ lâu dài nghiêm trọng đối với các hệ quả bất lợi về tình trạng tim mạch ở cả những người khỏe mạnh và những người đã bị bệnh tim. Một lý do khiến sự giận dữ và thù địch có thể góp phần dẫn đến các bệnh tim mạch là bởi vì kiểu tâm trạng như vậy có thể tạo ra căng thẳng xã hội, chủ yếu dưới dạng các cuộc gặp gỡ xã hội mà người này sẽ chạm trán với người khác. Khuynh hướng này sau đó còn đặt nền móng cho các phản ứng tim mạch có thể tăng mức bệnh tật giữa những người hay thù địch (Vella, Kamarck, Flory, & Manuck, 2012). Trong mô hình trao đổi, sự thù địch và căng thẳng xã hội tạo thành một chu kỳ (Hình 3).

Hình 3

Ví dụ, giả sử Kaitlin là người có tư tưởng thù địch; cô ấy có thái độ hoài nghi, không tin tưởng vào người khác và thường nghĩ rằng người khác thường muốn làm hại mình. Cô ấy rất đề phòng những người xung quanh, ngay cả những người cô đã quen biết trong nhiều năm, và cô ấy luôn tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy người khác không tôn trọng hoặc coi thường mình. Khi tắm vào mỗi buổi sáng trước khi đi làm, cô thường luyện tập lại những gì cô dự định sẽ nói với người đã nói hoặc làm điều gì đó khiến cho mình tức giận, chẳng hạn như ai đó thể hiện quan điểm chính trị đi ngược lại với hệ tư tưởng của cô. Khi Kaitlin trải qua những buổi luyện tập tinh thần này, cô thường cười toe toét và nghĩ về việc trả đũa bất kỳ ai khiến mình khó chịu vào ngày hôm đó.

Về mặt xã hội, cô ấy luôn đối đầu và có xu hướng dùng giọng điệu gay gắt với mọi người, điều này thường dẫn đến những bất đồng, thậm chí tranh cãi trong các tương tác xã hội. Như bạn có thể tưởng tượng, Kaitlin không được nhiều người yêu mến, bao gồm cả đồng nghiệp, hàng xóm và thậm chí cả các thành viên trong gia đình của cô ấy. Họ tránh cô ấy bằng mọi giá hoặc chọn cách phản pháo lại với cô, điều này khiến Kaitlin càng trở nên hoài nghi và không tin tưởng vào người khác, khiến tính cách của cô ấy càng trở nên thù địch hơn. Sự thù địch của Kaitlin - thông qua hành động của chính cô - đã tạo ra một môi trường đối kháng theo chu kỳ khiến cô trở nên thù địch và tức giận hơn, do đó có khả năng tạo tiền đề cho các vấn đề tim mạch.

Ngoài sự tức giận và thù địch, một số trạng thái cảm xúc tiêu cực khác có liên quan đến bệnh tim, bao gồm ảnh hưởng của cảm xúc tiêu cực và trầm cảm (Suls & Bunde, 2005). Ảnh hưởng cảm xúc tiêu cực là xu hướng trải qua các trạng thái cảm xúc khó khăn liên quan đến giận dữ, khinh thường, ghê tởm, tội lỗi, sợ hãi và lo lắng (Watson, Clark, & Tellegen, 1988). Nó có liên quan đến sự phát triển của cả vấn đề cao huyết áp và bệnh tim. Ví dụ, hơn 3,000 người tham gia trong một nghiên cứu với thể trạng khỏe mạnh lúc đầu và đã được theo dõi trong một thời gian dài, lên đến 22 năm. Những người có mức độ ảnh hưởng cảm xúc tiêu cực cao hơn vào thời điểm nghiên cứu bắt đầu về cơ bản có nhiều khả năng phát triển và được điều trị tăng huyết áp trong những năm tiếp theo hơn những người có mức độ ảnh hưởng cảm xúc tiêu cực thấp (Jonas & Lando, 2000). Ngoài ra, một nghiên cứu khác có hơn 10,000 công chức trung niên có trụ sở làm việc tại London, những người được theo dõi trung bình 12,5 năm cho thấy những người trước đó đã đạt điểm ở top 3 trong một bài kiểm tra về ảnh hưởng cảm xúc tiêu cực cao hơn 32% về khả năng mắc bệnh tim, đau tim, hoặc đau thắt ngực trong khoảng thời gian nhiều năm so với 3 người có điểm số thấp nhất từ dưới đếm lên (Nabi, Kivimaki, De Vogli, Marmot, & Singh-Manoux, 2008). Do đó, ảnh hưởng cảm xúc tiêu cực dường như là một yếu tố nguy cơ quan trọng tiềm tàng đối với sự phát triển của các rối loạn tim mạch.

Trầm cảm và Trái tim

Trong nhiều thế kỷ, các nhà thơ và văn học dân gian đã khẳng định có mối liên hệ giữa tâm trạng và trái tim (Glassman & Shapiro, 1998). Chắc hẳn bạn đã quen thuộc với khái niệm trái tim tan vỡ sau một sự kiện đáng thất vọng và đầy phiền muộn và hẳn đã từng gặp khái niệm đó trong các bài hát, bộ phim và tác phẩm văn học.

Có lẽ người đầu tiên nhận thấy mối liên hệ giữa trầm cảm và bệnh tim là Benjamin Malzberg (1937), người đã phát hiện ra rằng tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân mắc chứng Melancholia (một thuật ngữ cổ xưa để chỉ bệnh trầm cảm) cao gấp sáu lần so với dân số. Một nghiên cứu kinh điển vào cuối những năm 1970 đã xem xét hơn 8.000 người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn hưng-trầm cảm (hiện được phân loại là rối loạn lưỡng cực) ở Đan Mạch, cho thấy tỷ lệ tử vong do bệnh tim ở những bệnh nhân này tăng gần 50% so với dân số Đan Mạch nói chung (Weeke, 1979). Đến đầu những năm 1990, bằng chứng dần được tích lũy nhiều hơn cho thấy những người mắc trầm cảm được theo dõi trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong do tim cao hơn (Glassman, 2007). Trong một cuộc điều tra trên 700 cư dân Đan Mạch, những người có điểm trầm cảm cao nhất có nguy cơ bị đau tim cao hơn 71% so với những người có điểm trầm cảm thấp hơn (Barefoot & Schroll, 1996). Hình 4 minh họa sự phân cấp nguy cơ đau tim cho cả nam và nữ.

Hình 4

Sau hơn hai thập kỷ nghiên cứu, rõ ràng có một mối quan hệ tồn tại giữa: bệnh nhân mắc bệnh tim bị trầm cảm nhiều hơn so với dân số chung và những người bị trầm cảm có nhiều khả năng phát triển bệnh tim và có tỷ lệ tử vong cao hơn những người không mắc bệnh trầm cảm (Hare, Toukhsati, Johansson, & Jaarsma, 2013); trầm cảm càng nặng thì nguy cơ càng cao (Glassman, 2007). Xem xét những điều sau:

  • Trong một nghiên cứu, tỷ lệ tử vong do các vấn đề tim mạch về cơ bản cao hơn đáng kể ở những người trầm cảm; đàn ông trầm cảm có nguy cơ tử vong do các vấn đề tim mạch cao hơn 50% và phụ nữ trầm cảm có nguy cơ cao hơn 70% (Ösby, Brandt, Correia, Ekbom, & Sparén, 2001).
  • Một đánh giá thống kê về 10 nghiên cứu cắt dọc liên quan đến những người khỏe mạnh ban đầu cho thấy rằng những người có các triệu chứng trầm cảm thì có nguy cơ phát triển bệnh tim cao hơn 64% so với những người có ít triệu chứng hơn (Wulsin & Singal, 2003).
  • Một nghiên cứu trên 63.000 y tá tham gia cho thấy những người có nhiều triệu chứng trầm cảm khi nghiên cứu bắt đầu có nguy cơ mắc bệnh tim gây tử vong cao hơn 49% trong khoảng thời gian 12 năm (Whang và cộng sự, 2009).

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng của trầm cảm trong các bệnh về tim mạch, cách đây vài năm đã khuyến nghị tầm soát trầm cảm định kỳ cho tất cả bệnh nhân bị bệnh tim (Lichtman và cộng sự, 2008). Gần đây, họ đã khuyến nghị cần thêm trầm cảm vào danh sách các yếu tố nguy cơ đối với bệnh nhân bị bệnh tim (AHA, 2014). 

Mặc dù các cơ chế chính xác mà trầm cảm có thể gây ra các vấn đề về tim vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn, nhưng một cuộc điều tra gần đây về mối liên hệ này trong thời kỳ đầu đời đã làm sáng tỏ. Trong một nghiên cứu đang diễn ra về chứng trầm cảm ở trẻ em, những thanh thiếu niên đã được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm khi còn nhỏ có nhiều khả năng bị béo phì, hút thuốc và kém hoạt động thể chất hơn những người không được chẩn đoán mắc trầm cảm (Rottenberg và cộng sự, 2014).  Một ngụ ý của nghiên cứu này là trầm cảm, đặc biệt nếu nó xảy ra sớm trong cuộc đời, có thể làm tăng khả năng sống một lối sống không lành mạnh, do đó khiến mọi người có nguy cơ bất lợi mắc phải bệnh tim mạch. 

Cần chỉ ra rằng trầm cảm có thể chỉ là một phần của những mảnh ghép cảm xúc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và việc trải qua một số trạng thái cảm xúc tiêu cực thường xuyên có thể đặc biệt quan trọng. Một cuộc điều tra dài hạn về các cựu chiến binh trong Chiến tranh Việt Nam cho thấy rằng trầm cảm, lo âu, sự thù địch và nét đặc trưng tức giận đều dự báo mỗi yếu tố một cách độc lập đều có thể khiến bệnh tim khởi phát (Boyle, Michalek, & Suarez, 2006). Tuy nhiên, khi mỗi thuộc tính tâm lý tiêu cực này được kết hợp thành một biến duy nhất, biến mới này (mà các nhà nghiên cứu gọi là yếu tố nguy cơ tâm lý) dự đoán bệnh tim mạnh hơn bất kỳ biến riêng lẻ nào. Vì vậy, thay vì kiểm tra khả năng dự đoán của các yếu tố nguy cơ tâm lý riêng biệt, điều quan trọng đối với các nhà nghiên cứu trong tương lai là kiểm tra ảnh hưởng của các nét đặc trưng tâm lý và trạng thái cảm xúc tiêu cực tổng hợp trong sự phát triển của các bệnh tim mạch.