Sự phát triển tâm lý xã hội xảy ra khi trẻ hình thành các mối quan hệ, tương tác với những người khác, hiểu và quản lý cảm xúc của mình. Trong sự phát triển của xã hội và cảm xúc, việc hình thành gắn bó lành mạnh là rất quan trọng và là cột mốc về mặt xã hội chủ yếu của giai đoạn sơ sinh. Sự gắn bó là sự kết nối lâu dài hoặc gắn bó với những người khác. Các nhà tâm lý học phát triển quan tâm đến cách trẻ sơ sinh đạt được cột mốc quan trọng này. Họ hỏi những câu hỏi như mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ và trẻ sơ sinh hình thành như thế nào? Làm thế nào mà sự bỏ bê ảnh hưởng đến những liên kết này? Điều gì giải thích cho những khác biệt về sự gắn bó của trẻ em?

Các nhà nghiên cứu Harry Harlow, John Bowlby và Mary Ainsworth đã tiến hành các nghiên cứu nhằm trả lời những câu hỏi này. Vào những năm 1950, Harlow đã tiến hành một loạt thí nghiệm trên khỉ. Ông đã tách những con khỉ sơ sinh khỏi mẹ của chúng. Mỗi con khỉ được tiếp xúc với hai bà mẹ khỉ giả. Một con khỉ mẹ giả được làm từ lưới thép, và nó có thể phân phối sữa. Con khỉ mẹ giả kia thì mềm hơn và được làm từ vải song con khỉ này không có sữa để cung cấp. Nghiên cứu cho thấy những con khỉ con thích con khỉ mẹ giả vải mềm, âu yếm hơn, mặc dù nó không cung cấp bất kỳ chất dinh dưỡng nào. Khỉ con dành thời gian bám lấy khỉ mẹ giả làm bằng vải và chỉ khi chúng thèm ăn chúng mới mò tới mẹ khỉ giả làm bằng dây thép. Trước nghiên cứu này, cộng đồng y tế và khoa học thường nghĩ rằng trẻ sơ sinh trở nên gắn bó với những người cung cấp chất dinh dưỡng cho chúng. Tuy nhiên, Harlow (1958) kết luận rằng mối quan hệ giữa mẹ và con có nhiều thứ hơn là sự nuôi dưỡng. Cảm giác thoải mái và an toàn là những thành phần quan trọng đối với mối quan hệ giữa mẹ và trẻ sơ sinh, dẫn đến sự phát triển tâm lý xã hội lành mạnh.

Dựa trên công trình của Harlow và những người khác, John Bowlby đã phát triển khái niệm thuyết gắn bó. Ông định nghĩa sự gắn bó là sự nút thắt hay ràng buộc về tình cảm mà một đứa trẻ sơ sinh hình thành với người mẹ (Bowlby, 1969). Trẻ sơ sinh phải hình thành mối quan hệ này với người chăm sóc chính để có sự phát triển bình thường về xã hội và tình cảm. Ngoài ra, Bowlby đề xuất rằng mối liên kết gắn bó này rất mạnh mẽ và tiếp tục trong suốt cuộc đời. Ông đã sử dụng khái niệm cơ sở an toàn [secure base] để xác định sự gắn bó lành mạnh giữa cha mẹ và con cái (1988). Cơ sở an toàn là sự hiện diện của cha mẹ mang lại cho đứa trẻ cảm giác an toàn khi khám phá môi trường xung quanh. Bowlby nói rằng cần có hai điều để có một sự gắn bó lành mạnh là người chăm sóc phải đáp ứng các nhu cầu về thể chất, xã hội và tình cảm của trẻ; và người chăm sóc và trẻ em phải tham gia vào các tương tác thú vị lẫn nhau (Bowlby, 1969) (Hình 2).

Hình 02

Trong khi Bowlby nghĩ rằng sự gắn bó là một quá trình tất cả hoặc không có gì, nghiên cứu của Mary Ainsworth (1970) đã chỉ ra điều ngược lại. Ainsworth muốn biết liệu những đứa trẻ có khác nhau về cách chúng gắn kết hay không và nếu có thì tại sao. Để tìm câu trả lời, bà đã tiến hành thực nghiệm nổi tiếng mang tên “tình huống kỳ lạ” để nghiên cứu sự gắn bó giữa bà mẹ và trẻ sơ sinh của họ (1970). Trong “tình huống kỳ lạ”, người mẹ (hoặc người chăm sóc chính) và trẻ sơ sinh (12 - 18 tháng tuổi) được xếp vào một phòng cùng nhau. Có đồ chơi trong phòng, người chăm sóc và trẻ dành thời gian ở một mình trong phòng. Sau khi trẻ đã có thời gian khám phá môi trường xung quanh, một người lạ bước vào phòng. Người mẹ sau đó bỏ con đi với người lạ. Sau một vài phút, cô ấy quay lại để an ủi con mình.

Dựa trên cách phản ứng của trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi đối với sự tách rời và đoàn tụ trở lại, Ainsworth đã xác định ba loại gắn bó giữa cha mẹ và con cái gồm an toàn, tránh né và kháng cự (Ainsworth & Bell, 1970). Và loại thứ tư, được gọi là gắn bó vô tổ chức sẽ được mô tả sau (Main & Solomon, 1990). Sự gắn bó phổ biến nhất, cũng được coi là lành mạnh nhất, được gọi là gắn bó an toàn. Trong kiểu gắn bó này, trẻ mới biết đi thích cha mẹ của mình hơn là người lạ. Hình ảnh gắn bó được sử dụng như một  cơ sở an toàn để trẻ khám phá môi trường và được tìm về trong lúc trẻ căng thẳng. Những đứa trẻ có kiểu gắn bó an toàn đã rất khổ sở khi người chăm sóc của chúng rời khỏi phòng trong thực nghiệm, nhưng chúng trở nên vui vẻ trở lại khi thấy người chăm sóc quay trở lại. Những đứa trẻ có kiểu gắn bó an toàn thì người chăm sóc thường nhạy cảm và đáp ứng được các nhu cầu của trẻ.

Với kiểu gắn bó né tránh, đứa trẻ không phản ứng với cha mẹ mình, không coi cha mẹ như một cơ sở an toàn và không quan tâm nếu cha mẹ có rời đi. Trẻ mới biết đi phản ứng với cha mẹ giống như cách trẻ phản ứng với người lạ. Khi cha mẹ quay lại, đứa trẻ chậm thể hiện phản ứng tích cực. Ainsworth đưa ra giả thuyết rằng những đứa trẻ này rất có thể có một người chăm sóc không nhạy cảm và không chú ý đến nhu cầu của chúng (Ainsworth, Blehar, Waters, & Wall, 1978).

Trong những trường hợp gắn bó kiểu kháng cự, trẻ em có xu hướng biểu hiện hành vi đeo bám, nhưng sau đó chúng từ chối nỗ lực tương tác của người gắn bó với chúng (Ainsworth & Bell, 1970). Những đứa trẻ này không khám phá đồ chơi trong phòng vì chúng quá sợ hãi. Trong thời gian xa cách trong, chúng trở nên vô cùng vùng vằng và tức giận với cha mẹ. Khi cha mẹ về thì khó làm dịu. Gắn bó kháng cự là kết quả của sư thiếu nhất quán của người chăm sóc trong các mức độ đáp ứng đối với con họ.

Cuối cùng, những đứa trẻ có gắn bó vô tổ chức là những trẻ có hành vi cư xử kỳ lạ trong thực nghiệm. Chúng đứng yên, hoặc chạy quanh phòng một cách thất thường hoặc cố gắng bỏ chạy khi người chăm sóc trở lại (Main & Solomon, 1990). Kiểu gắn bó này thường thấy nhất ở những đứa trẻ bị bạo hành. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng lạm dụng, bạo hành làm gián đoạn khả năng điều chỉnh cảm xúc của trẻ.

Mặc dù nghiên cứu của Ainsworth đã tìm thấy sự ủng hộ trong các nghiên cứu lặp lại tiếp theo, nó cũng vấp phải sự chỉ trích. Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng tính khí của một đứa trẻ có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự gắn bó (Gervai, 2009; Harris, 2009), và những người khác đã lưu ý rằng sự gắn bó khác nhau giữa các nền văn hóa, một yếu tố không hề được tính đến trong nghiên cứu của Ainsworth (Rothbaum, Weisz , Pott, Miyake, & Morelli, 2000; van Ijzendoorn & Sagi-Schwartz, 2008).