Thể chất
Khi chúng ta tuổi đầu trưởng thành (20 đến đầu 40), sự trưởng thành về thể chất của chúng ta đã hoàn thiện, mặc dù chiều cao và cân nặng của chúng ta có thể tăng lên ít nhiều. Vào thời kỳ đầu tuổi trưởng thành, khả năng thể chất của chúng ta đang ở đỉnh cao, bao gồm sức mạnh cơ bắp, thời gian phản ứng, khả năng cảm giác và chức năng của tim. Hầu hết các vận động viên chuyên nghiệp đang ở đỉnh cao môn họ thi đấu đều nằm trong giai đoạn tuổi này. Nhiều phụ nữ có con trong độ tuổi này, do đó họ có thể thấy sự tăng cân và phát triển ngực.
Tuổi trung niên kéo dài từ những năm 40 đến những năm 60. Thể chất sa sút dần dần. Da mất độ đàn hồi và nếp nhăn là một trong những dấu hiệu lão hóa đầu tiên. Thị lực giảm trong thời gian này. Phụ nữ bị giảm dần khả năng sinh sản khi họ bắt đầu mãn kinh, kết thúc chu kỳ kinh nguyệt, khoảng 50 tuổi. Cả nam và nữ đều có xu hướng tăng cân ở vùng bụng đối với nam và ở hông và đùi đối với nữ. Tóc bắt đầu mỏng và chuyển sang màu xám.
Trưởng thành cao tuổi được coi là kéo dài từ những năm 60 trở đi. Đây là giai đoạn cuối cùng của sự thay đổi thể chất. Da tiếp tục mất độ đàn hồi, thời gian phản ứng chậm hơn và sức mạnh của cơ giảm dần. Khứu giác, vị giác, thính giác và thị giác, rất nhạy bén ở độ tuổi đôi mươi của chúng ta bị suy giảm đáng kể. Bộ não cũng có thể không còn hoạt động ở mức tối ưu, dẫn đến các vấn đề như mất trí nhớ, sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer trong những năm sau đó.
Nhận thức
Bởi vì chúng ta trải qua rất nhiều năm ở tuổi trưởng thành (nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác) nên những thay đổi về nhận thức là rất nhiều. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng sự phát triển nhận thức của người lớn là một quá trình phức tạp, luôn thay đổi, thậm chí có thể năng động hơn sự phát triển nhận thức ở trẻ sơ sinh và thuở nhi đồng (Fischer, Yan, & Stewart, 2003).
Không giống như khả năng thể chất của chúng ta, đạt đỉnh điểm vào giữa tuổi 20 và sau đó bắt đầu suy giảm chậm dần, khả năng nhận thức của chúng ta vẫn ổn định trong suốt thời gian mới trưởng thành và trung niên. Trí thông minh mà chúng ta kết tụ (thông tin, kỹ năng và chiến lược mà chúng ta thu thập được qua kinh nghiệm cả đời) có xu hướng ổn định khi chúng ta già đi - thậm chí có thể cải thiện. Ví dụ, người lớn tỏ ra tương đối ổn định với việc tăng điểm số trong các bài kiểm tra trí thông minh cho đến giữa tuổi 30 đến giữa tuổi 50 (Bayley & Oden, 1955). Tuy nhiên, vào giai đoạn cao tuổi, chúng ta bắt đầu trải qua sự suy giảm trong một lĩnh vực khác của khả năng nhận thức - trí thông minh linh hoạt (khả năng xử lý thông tin, lý luận và trí nhớ). Các quá trình này trở nên chậm hơn. Làm thế nào chúng ta có thể trì hoãn sự khởi đầu của sự suy giảm nhận thức? Hoạt động tâm lý và thể chất dường như đóng một vai trò nào đó. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người trưởng thành tham gia vào các hoạt động kích thích tâm lý và thể chất ít bị suy giảm nhận thức hơn và giảm tỷ lệ suy giảm nhận thức nhẹ và sa sút trí tuệ (Hertzog, Kramer, Wilson, & Lindenberger, 2009; Larson et al., 2006; Podewils et al. , 2005).
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra sự lão hóa của não bộ bằng cách so sánh với hoạt động của não ở những người trẻ tuổi. Forstmann và các đồng nghiệp (2011) đã so sánh những người tham gia cao tuổi với những người tham gia trẻ tuổi, những người trong nghiên cứu được yêu cầu báo cáo hướng chuyển động của một tập hợp các dấu chấm. Họ đã nhận được phản hồi về tốc độ và độ chính xác. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia lớn tuổi mắc nhiều lỗi hơn và chậm hơn do sự thoái hóa của các kết nối mạng corticostriatal. Nói cách khác, khả năng suy giảm thường được gán cho người cao tuổi có thể là do các hoàn cảnh trong não ngoài tầm kiểm soát của họ. Điều thú vị là các nhà nghiên cứu khác đã tìm thấy những điểm tương đồng trong các biểu đồ không gian khi so sánh trẻ em từ 6 - 7 tuổi với người gia trên 80 tuổi. Ruggiero, D'Errico và Iachini (2016) báo cáo rằng điều này là do sự thoái hóa thần kinh ở người lớn tuổi và thần kinh chưa trưởng thành ở trẻ nhỏ.
Nhiều người cao tuổi sẽ bị sa sút trí tuệ, những thay đổi trong não ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức. Bệnh Alzheimer là một loại bệnh mất trí nhớ, được nghiên cứu ban đầu bởi nhà nghiên cứu y khoa Solomon Carter Fuller. Bệnh Alzheimer’s có cơ sở di truyền. Các mảng trong não là do tế bào chết, chính những tế bào chết này sau đó khiến người trưởng thành bị đãng trí trầm trọng. Người ta có thể quên cách đi lại, nói chuyện và cuối cùng là ăn. Bệnh có thể được giảm nhẹ bằng cách đánh giá các yếu tố môi trường (tiếp xúc với chì, sắt và kẽm làm tăng nguy cơ) và các yếu tố dinh dưỡng (Arora, Mittal & Kakkar, 2015). Dù không có thuốc chữa nhưng vẫn có hy vọng. Phục hồi nhận thức có thể bù đắp tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ, nếu không nó có thể tiến triển thành sa sút trí tuệ. Garcia-Betances, Jimenez-Mixco, Arredondo và Cabrera-Umpierrez (2015) đã kiểm tra việc sử dụng thực tế ảo như một phương pháp khả thi để phục hồi nhận thức. Họ gợi ý rằng công nghệ thực tế ảo nên liên quan đến các hoạt động sống hàng ngày, trí nhớ và ngôn ngữ, trong số những lựa chọn khác.
Tâm lý xã hội
Có nhiều giả thuyết về các khía cạnh xã hội và cảm xúc của quá trình lão hóa. Một số khía cạnh của quá trình già hóa lành mạnh bao gồm các hoạt động, sự kết nối xã hội và vai trò của nền văn hóa của một người. Theo nhiều nhà lý thuyết, bao gồm George Vaillant (2002), người đã nghiên cứu và phân tích dữ liệu trong hơn 50 năm, chúng ta cần phải có và tiếp tục tìm kiếm ý nghĩa trong suốt cuộc đời mình. Đối với những người ở tuổi trưởng thành còn trẻ và trung niên, ý nghĩa được tìm thấy thông qua công việc (Sterns & Huyck, 2001) và cuộc sống gia đình (Markus, Ryff, Curan, & Palmersheim, 2004). Những lĩnh vực này liên quan đến các nhiệm vụ mà Erikson gọi là tính truyền thừa và sự gắn bó. Như đã đề cập trước đây, người lớn có xu hướng xác định bản thân bằng những gì họ làm - nghề nghiệp của họ. Dù rằng đây là độ tuổi có mức thu nhập đạt mức cao nhất, sự hài lòng với công việc gắn chặt hơn với những công việc liên quan đến việc liên kết với con người, phải thú vị, mang lại cơ hội thăng tiến và cho phép được trải nghiệm cảm giác tự chủ (Mohr & Zoghi, 2006) hơn là lương (Iyengar, Wells & Schwartz, 2006). Làm thế nào mà việc bị thất nghiệp hoặc bị mắc kẹt chỉ với một công việc duy nhất lại có thể thách thức hạnh phúc của người trưởng thành?
Mối quan hệ tích cực với những người quan trọng khác trong những năm trưởng thành của chúng ta đã được chứng minh là góp phần vào trạng thái hạnh phúc (Ryff & Singer, 2009). Hầu hết những người trưởng thành ở Hoa Kỳ nhận diện bản thân thông qua các mối quan hệ của họ với gia đình, đặc biệt là với vợ hoặc chồng, con cái và cha mẹ (Markus và cộng sự, 2004). Mặc dù việc nuôi dạy con cái có thể căng thẳng, đặc biệt là khi chúng còn nhỏ, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng cha mẹ sẽ gặt hái được thành quả khi con cái trưởng thành có xu hướng ảnh hưởng tích cực đến hạnh phúc của cha mẹ (Umberson, Pudrovska, & Reczek, 2010). Có một cuộc hôn nhân ổn định cũng góp phần tạo ra hạnh phúc trong suốt tuổi trưởng thành (Vaillant, 2002).
Một khía cạnh khác của già hóa tích cực được cho là sự kết nối xã hội và hỗ trợ xã hội. Khi chúng ta già đi, lý thuyết chọn lọc xã hội gợi ý rằng sự hỗ trợ xã hội và tình bạn của chúng ta giảm dần về số lượng, nhưng vẫn gần gũi, nếu không muốn nói là thân thiết hơn những năm trước (Carstensen, 1992).