Thể chất
Như đã nói ở trên, tuổi vị thành niên bắt đầu cùng với sự dậy thì. Mặc dù có thể dự đoán được trình tự của những thay đổi về thể chất ở thời kỳ dậy thì, nhưng sự khởi đầu và tốc độ dậy thì rất khác nhau. Một số thay đổi về thể chất xảy ra trong lúc dậy thì, chẳng hạn như tuyến thượng thận và tuyến sinh dục, sự trưởng thành của tuyến thượng thận và tuyến sinh dục. Cũng trong thời gian này, các đặc điểm sinh dục chính và phụ phát triển và trưởng thành. Các đặc điểm sinh dục chính là các cơ quan đặc biệt cần thiết cho sinh sản, như tử cung và buồng trứng ở nữ và tinh hoàn ở nam. Đặc điểm giới tính thứ cấp là những dấu hiệu thể chất của sự trưởng thành về giới tính mà không liên quan trực tiếp đến các cơ quan sinh dục, chẳng hạn như sự phát triển của ngực và hông ở con gái, sự phát triển của lông mặt và giọng nói trầm hơn ở con trai. Con gái thì bị đau bụng kinh, bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, thường vào khoảng 12 - 13 tuổi, và con trai phát triển tinh trùng, lần xuất tinh đầu tiên vào khoảng 13 - 14 tuổi.
Trong giai đoạn dậy thì, cả hai giới đều có sự gia tăng chiều cao nhanh chóng (tức là tăng trưởng vượt bậc). Đối với con gái, điều này bắt đầu từ 8 đến 13 tuổi, với chiều cao trưởng thành đạt từ 10 đến 16 tuổi. Còn con trai bắt đầu tăng trưởng chậm hơn một chút, thường từ 10 đến 16 tuổi, và đạt đến chiều cao trưởng thành từ 13 đến 17 tuổi. Cả tự nhiên (tức là gen) và nuôi dưỡng (ví dụ: dinh dưỡng, thuốc men và điều kiện y tế) đều có thể ảnh hưởng đến chiều cao.
Bởi vì tốc độ phát triển thể chất rất khác nhau giữa các thanh thiếu niên, tuổi dậy thì có thể là một xung động tự hào hoặc xấu hổ. Con trai trưởng thành sớm có xu hướng khỏe mạnh, cao hơn và năng động hơn so với các bạn cùng lứa tuổi trưởng thành sau này. Họ thường nổi tiếng, tự tin và độc lập, nhưng cũng có nguy cơ bị lạm dụng chất kích thích và hoạt động tình dục sớm (Flannery, Rowe, & Gulley, 1993; Kaltiala-Heino, Rimpela, Rissanen, & Rantanen, 2001). Con gái trưởng thành sớm có thể bị trêu chọc hoặc ngưỡng mộ quá mức, điều này có thể khiến chúng cảm thấy tự ti về cơ thể đang phát triển của mình. Những cô gái này có nguy cơ cao bị trầm cảm, lạm dụng chất kích thích và rối loạn ăn uống (Ge, Conger, & Elder, 2001; Graber, Lewinsohn, Seeley, & Brooks-Gunn, 1997; Striegel-Moore & Cachelin, 1999). Còn nam hoặc nữ dậy thì muộn (tức là phát triển chậm hơn các bạn cùng tuổi) có thể cảm thấy tự ti về sự kém phát triển thể chất của mình. Cảm xúc tiêu cực đặc biệt là một vấn đề đối với con trai trưởng thành muộn, những em có nguy cơ cao bị trầm cảm và xung đột với cha mẹ (Graber et al., 1997) và dễ bị bắt nạt hơn (Pollack & Shuster, 2000).
Bộ não của trẻ vị thành niên cũng đang trong quá trình phát triển. Cho đến tuổi dậy thì, các tế bào não tiếp tục phát triển ở vùng trán. Thanh thiếu niên tham gia vào các hành vi liều mạng và bộc phát cảm xúc có thể do thùy trán của não vẫn đang phát triển (Hình 1). Hãy nhớ lại rằng khu vực này chịu trách nhiệm phán đoán, kiểm soát xung động và lập kế hoạch, và nó vẫn đang phát triển ở giai đoạn đầu trưởng thành (Casey, Tottenham, Liston, & Durston, 2005).
Nhận thức
Các khả năng tư duy phức tạp hơn xuất hiện trong giai đoạn thanh thiếu niên. Một số nhà nghiên cứu cho rằng điều này là do sự gia tăng tốc độ và hiệu quả xử lý chứ không phải là kết quả của sự gia tăng năng lực tâm lý. Hay nói cách khác, là do sự cải thiện các kỹ năng hiện có hơn là sự phát triển của các kỹ năng mới (Bjorkland, 1987; Case, 1985). Trong giai đoạn này, thanh thiếu niên vượt ra khỏi suy nghĩ cụ thể và trở nên có khả năng suy nghĩ trừu tượng. Hãy nhớ lại việc Piaget đã đề cập đến giai đoạn này như là tư duy thao tác hình thức. Tư duy của thanh thiếu niên cũng được đặc trưng bởi khả năng xem xét nhiều quan điểm, tưởng tượng các tình huống giả định, tranh luận các ý tưởng và quan điểm (ví dụ, chính trị, tôn giáo và công lý) và hình thành các ý tưởng mới. Ngoài ra, không có gì lạ khi thanh thiếu niên thường đặt câu hỏi về thẩm quyền hoặc thách thức các chuẩn mực xã hội đã được thiết lập.
Sự đồng cảm nhận thức, còn được biết là “lý thuyết của tâm trí” (mà chúng ta đã thảo luận trước đó về sự tự cho mình là trung tâm), liên quan đến khả năng nhìn nhận quan điểm khác mình và để tâm đến người khác (Shamay-Tsoory, Tomer, & Aharon-Peretz, 2005 ). Sự đồng cảm về nhận thức bắt đầu tăng lên ở tuổi vị thành niên và là một yếu tố quan trọng của việc giải quyết vấn đề của mối quan hệ xã hội và tránh xung đột. Theo một nghiên cứu cắt dọc, mức độ đồng cảm nhận thức bắt đầu tăng lên ở các bé gái khoảng 13 tuổi và khoảng 15 tuổi ở các bé trai (Van der Graaff et al., 2013). Những bạn trẻ tuổi “teen” cho biết khi có bố là người hỗ trợ và cùng thảo luận về những lo lắng của mình thì đều được thống kê là có khả năng thấu hiểu góc nhìn của người khác tốt hơn (Miklikowska, Duriez, & Soenens, 2011).
Tâm lý xã hội
Thanh thiếu niên tiếp tục điều chỉnh ý thức về cái tôi khi họ kết nối với những người khác. Erikson gọi nhiệm vụ của tuổi vị thành niên là xác định bản sắc cá nhân và nhầm lẫn vai trò. Do đó, theo quan điểm của Erikson, câu hỏi mà họ cần trả lời của giai đoạn này chính là "Tôi là ai?" và "Tôi muốn trở thành người như thế nào?". Một số người chấp nhận các giá trị và vai trò mà cha mẹ mong đợi ở họ. Các thanh thiếu niên khác phát triển các đặc điểm nhận dạng trái ngược với cha mẹ của chúng nhưng phù hợp với một nhóm đồng trang lứa. Điều này phổ biến khi các mối quan hệ đồng đẳng trở thành trọng tâm trong cuộc sống của trẻ vị thành niên.
Khi các thanh thiếu niên nỗ lực để hình thành bản sắc của mình, các em rời xa cha mẹ và nhóm bạn đồng trang lứa trở nên rất quan trọng đối với chúng (Shanahan, McHale, Osgood, & Crouter, 2007). Mặc dù dành ít thời gian hơn cho cha mẹ, hầu hết thanh thiếu niên cho biết họ có những cảm xúc tích cực đối với cha mẹ (Moore, Guzman, Hair, Lippman, & Garrett, 2004). Mối quan hệ ấm áp và lành mạnh giữa cha mẹ và con cái có liên quan đến những tác động tích cực của trẻ, chẳng hạn như điểm số tốt và ít rắc rối về việc nghịch ngợm ở trường (Hair và cộng sự, 2005).
Dường như hầu hết trẻ vị thành niên không trải qua những dữ dội và căng thẳng ở tuổi dậy thì, điều này đã từng được G. Stanley Hall, một nhà tiên phong trong nghiên cứu về sự phát triển của thanh thiếu niên nổi tiếng đề cập. Chỉ có một số ít những em có mâu thuẫn lớn với cha mẹ (Steinberg & Morris, 2001), và hầu hết các bất đồng là vụn vặt. Ví dụ, trong một nghiên cứu trên 1800 phụ huynh của trẻ vị thành niên thuộc các nhóm văn hóa và dân tộc khác nhau, Barber (1994) phát hiện ra rằng xung đột xảy ra trong các vấn đề hàng ngày như bài tập về nhà, tiền bạc, giờ giới nghiêm, quần áo, việc nhà và bạn bè. Những loại bất đồng này có xu hướng giảm dần khi trẻ phát triển (Galambos & Almeida, 1992). Một nghiên cứu mới nổi về não bộ của thanh thiếu niên. Galvan, Hare, Voss, Glover và Casey (2007) đã xem xét vai trò của não bộ trong hành vi chấp nhận rủi ro. Họ đã sử dụng fMRI để đánh giá mối quan hệ của số liệu với việc chấp nhận rủi ro, nhận thức rủi ro và sự bốc đồng. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng không có mối tương quan giữa hoạt động của não ở trung tâm tưởng thưởng thần kinh với sự bốc đồng và nhận thức rủi ro. Tuy nhiên, hoạt động ở phần não đó có tương quan với việc chấp nhận rủi ro. Nói cách khác, thanh thiếu niên chấp nhận rủi ro trải qua hoạt động của não trong khu vực phần thưởng. Ý tưởng cho rằng thanh thiếu niên, dù vậy, vẫn bốc đồng hơn so với các đối tượng khác được thống kê nhân khẩu [demographics] đã đặt ra thách thức lớn trong nghiên cứu của họ.