Lý thuyết phát triển

Đã đọc 0%

Có nhiều lý thuyết liên quan đến cách trẻ sơ sinh và trẻ em lớn lên và phát triển thành những người trưởng thành vui vẻ, khỏe mạnh. Chúng ta sẽ cùng điểm qua một số lý thuyết nổi bật về sự phát triển tâm lý trong cuộc đời mỗi người.

Lý thuyết Phát triển Tâm lý xã hội

Erik Erikson (1902 – 1994), một lý thuyết gia khác về các giai đoạn phát triển, đã sử dụng lý thuyết của Freud và điều chỉnh nó thành lý thuyết phát triển tâm lý xã hội. Lý thuyết phát triển tâm lý xã hội của Erikson nhấn mạnh bản chất xã hội của sự phát triển hơn là bản chất tính dục của nó. Trong khi Freud tin rằng nhân cách chỉ được hình thành trong thời thơ ấu, Erikson đề xuất rằng sự phát triển nhân cách diễn ra trong suốt cuộc đời. Erikson gợi ý rằng cách chúng ta tương tác với người khác là điều ảnh hưởng đến cảm giác về bản thân của chúng ta, hay cái mà ông gọi là nhân dạng của cái tôi [ego identity].

Erikson đề xuất rằng chúng ta được thúc đẩy bởi nhu cầu đạt được năng lực trong một số lĩnh vực nhất định của cuộc sống. Theo lý thuyết phát triển tâm lý xã hội, chúng ta trải qua tám giai đoạn phát triển trong suốt cuộc đời của mình, từ giai đoạn sơ sinh đến cuối tuổi trưởng thành. Ở mỗi giai đoạn, có một xung đột hoặc nhiệm vụ mà chúng ta cần giải quyết. Hoàn tất thành công mỗi nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển cho mang đến cho chúng ta cảm giác trọn vẹn về năng lực cá nhân và nhân cách lành mạnh. Không hoàn tất những nhiệm vụ này này sẽ dẫn đến cảm giác không có năng lực.

Theo Erikson (1963), sự tin tưởng là nền tảng của giai đoạn phát triển tuổi sơ sinh (sơ sinh đến 12 tháng) của con người. Do đó, nhiệm vụ chính của giai đoạn này là tin tưởng hoặc hoài nghi. Trẻ sơ sinh phụ thuộc vào người chăm sóc của chúng, vì vậy những người chăm sóc đáp ứng và nhạy cảm với các nhu cầu của trẻ sẽ giúp trẻ phát triển cảm giác tin cậy; đứa trẻ của họ sẽ xem thế giới là một nơi an toàn, có thể đoán trước được. Những người chăm sóc thiếu trách nhiệm không đáp ứng nhu cầu của em bé có thể gây ra cảm giác lo lắng, sợ hãi và không tin tưởng; những đứa trẻ này có thể cảm thấy thế giới là nơi không thể đoán trước.

Khi trẻ mới biết đi (từ 1 – 3 tuổi) thì chúng cũng bắt đầu khám phá thế giới của mình, chúng học được rằng chúng có thể kiểm soát hành động của mình và hành động tùy thuộc vào tình huống của môi trường để đạt được điều mình muốn. Chúng bắt đầu thể hiện sở thích rõ ràng đối với một số yếu tố của môi trường, chẳng hạn như thức ăn, đồ chơi và quần áo. Nhiệm vụ chính của trẻ mới biết đi là giải quyết vấn đề tự chủ thay vì cảm giác tủi hổ và nghi ngờ, bằng cách nỗ lực để hình thành tính độc lập. Đây là giai đoạn “tôi làm điều đó”. Ví dụ, chúng ta có thể quan sát thấy ý thức tự chủ chớm nở ở một đứa trẻ 2 tuổi muốn tự mình chọn quần áo và mặc quần áo. Mặc dù trang phục của trẻ có thể không phù hợp với hoàn cảnh, nhưng việc trẻ đưa ra những quyết định cơ bản như vậy sẽ ảnh hưởng đến cảm giác độc lập của mình. Nếu bị từ chối hoặc không thực hiện được hành vi tự chủ của mình thì trẻ có thể bắt đầu nghi ngờ vào khả năng của mình, điều này có thể dẫn đến lòng tự trọng thấp và cảm giác tủi hổ.

Khi trẻ đến giai đoạn mẫu giáo (3 – 6 tuổi), trẻ có khả năng bắt đầu các hoạt động và khẳng định quyền kiểm soát thế giới của mình thông qua các tương tác xã hội và vui chơi. Theo Erikson, trẻ em mẫu giáo phải giải quyết nhiệm vụ chủ động thay vì mặc cảm tội lỗi. Bằng việc học cách lập kế hoạch và đạt được mục tiêu trong khi tương tác với những người khác, trẻ mầm non có thể thành thạo nhiệm vụ này. Những đứa trẻ thành công ở giai đoạn này phát triển sự tự tin và xây dựng được cảm giác tìm kiếm được mục đích. Những trẻ không thành công trong giai đoạn này thì trở nên thụ động hoặc bị kìm hãm, có thể nảy sinh cảm giác tội lỗi. Vậy thì liệu việc các bậc cha mẹ quá mức kiểm soát có thể dập tắt khả năng chủ động của con trẻ như thế nào?

Trong giai đoạn tiểu học (7 - 11 tuổi), trẻ em phải đối mặt với nhiệm vụ trở nên chăm chỉ thay vì tự ti. Trẻ bắt đầu so sánh mình với các bạn cùng tuổi để xem các bạn khác lớn lên như thế nào. Chúng phát triển cảm giác tự hào và thành tích đạt được trong học tập, thể thao, hoạt động xã hội và cuộc sống gia đình, hoặc chúng cảm thấy kém cỏi và thiếu thốn khi không được đánh giá cao. Vậy cha mẹ và giáo viên có thể làm gì để giúp trẻ phát triển năng lực và niềm tin vào bản thân và khả năng của mình?

Ở tuổi vị thành niên (12 - 18 tuổi), trẻ em phải đối mặt với nhiệm vụ định hình bản sắc cá nhân hoặc là nhầm lẫn về vai trò. Theo Erikson, nhiệm vụ chính của tuổi vị thành niên là phát triển ý thức về bản thân. Thanh thiếu niên phải vật lộn với những câu hỏi như “Tôi là ai?”, và “Tôi muốn làm gì với cuộc đời mình?”. Trong quá trình này, hầu hết thanh thiếu niên thử trở thành nhiều phiên bản khác nhau của mình để xem cái nào phù hợp nhất. Những bạn thành công trong giai đoạn này có cảm nhận mạnh mẽ về bản sắc cá nhân và có thể giữ vững niềm tin lẫn giá trị của mình khi đối mặt với các vấn đề và trước các quan điểm của người khác. Vậy điều gì sẽ xảy ra với những bạn thường thờ ơ, không ý thức về nhiệm vụ tìm kiếm bản sắc của mình, hoặc những người bị áp lực phải tuân theo ý nguyện của cha mẹ cho tương lai? Những thanh thiếu niên này sẽ kém trong việc cảm nhận về cái tôi, nhầm lẫn về bản sắc cá nhân và vai trò của mình. Chúng thường không chắc chắn về bản thân và bối rối về tương lai.

Những người ở độ tuổi trưởng thành sớm (tức là từ 20 đến đầu 40) thường tâm đến vấn đề về thiết lập gắn bó, trái ngược là sự đơn độc. Sau khi đã phát triển ý thức về bản thân ở tuổi vị thành niên, chúng ta sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của mình với người khác. Erikson nói rằng chúng ta cần phải có nhận thức rõ nét về bản thân trước khi phát triển mối quan hệ gắn bó với người khác. Với những người trưởng thành không phát triển khái niệm về cái tôi tích cực ở tuổi vị thành niên có thể trải qua cảm giác cô đơn và cô lập về cảm xúc.

Khi con người đến tuổi 40, họ bước vào thời kỳ được gọi là tuổi trưởng thành trung niên, thời kỳ này kéo dài đến giữa những năm lục tuần (60 tuổi). Nhiệm vụ xã hội của tuổi trưởng thành trung niên là truyền thừa giá trị và sự trì trệ. Tính truyền thừa [generativity] liên quan đến việc tìm được sự nghiệp của cuộc đời mình và đóng góp vào sự phát triển của những người khác, thông qua các hoạt động như tình nguyện và nuôi dạy con cái. Những người không hoàn tất nhiệm vụ của giai đoạn có thể bị trì trệ, ít kết nối với người khác và ít quan tâm đến năng suất và sự cải thiện bản thân.

Từ giữa những năm 60 đến cuối cuộc đời, chúng ta đang ở trong thời kỳ phát triển được gọi là cuối tuổi trưởng thành. Nhiệm vụ của Erikson ở giai đoạn này được gọi là sự toàn vẹn và thất vọng. Ông nói rằng những người ở cuối độ tuổi trưởng thành thường nhìn lại về cuộc đời của mình và họ hoặc là cảm thấy hài lòng hoặc là cảm thấy thất bại. Những người cảm thấy tự hào về thành tựu của mình sẽ cảm thấy mình được sống toàn vẹn và nhìn lại cuộc đời mình mà không hề hối tiếc. Tuy nhiên, những người không thành công trong giai đoạn này có thể cảm thấy như thể cả đời của họ đã bị lãng phí. Họ tập trung vào những gì “sẽ có”, “nên có” và “có thể có”. Họ phải đối mặt với giai đoạn cuối đời với cảm giác cay đắng, chán nản và tuyệt vọng. Bảng 1 tóm tắt các giai đoạn của lý thuyết Erikson.

Bảng 1. Giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erikson
Giai đoạn Tuổi Developmental Task Mô tả
1 0–1 Tin tưởng hay không tin tưởng Tin (hoặc không tin) rằng các nhu cầu cơ bản sẽ được đáp ứng
2 1–3 Tự chủ hay nghi ngờ/hổ thẹn Phát triển ý thức độc lập trong nhiều công việc
3 3–6 Chủ động với tội lỗi Chủ động trong một số hoạt động có thể phát triển cảm giác tội lỗi khi không thành công hoặc vượt quá ranh giới
4 7–11 Cao sang hay thấp kém Phát triển sự tự tin vào khả năng khi có năng lực hoặc cảm giác tự ti khi không có năng lực
5 12–18 Bản sắc và nhầm lẫn Thử nghiệm và với việc phát triển bản sắc và vai trò xã hội
6 19–29 Thân mật hay cô lập Thiết lập sự thân mật và mối quan hệ với những người khác
7 30–64 Truyền thừa hay trì trệ Đóng góp cho xã hội và là một phần của gia đình
8 65– Viên mãn hay hối tiếc Đánh giá và đưa ra ý nghĩa và những đóng góp về cuộc sống 

Lý thuyết Phát triển Nhận thức

Jean Piaget (1896 – 1980) là một nhà nghiên cứu về các giai đoạn phát triển thời thơ ấu. Thay vì tiếp cận sự phát triển từ góc độ phân tâm học hoặc tâm lý xã hội, Piaget tập trung vào sự phát triển nhận thức của trẻ em. Ông tin rằng tư duy là khía cạnh trung tâm của sự phát triển và trẻ em sinh ra đã có sẵn sự ham mê tìm tòi một cách tự nhiên. Tuy nhiên, ông cho rằng trẻ em không suy nghĩ và suy luận như người lớn (Piaget, 1930, 1932). Lý thuyết về phát triển nhận thức của ông cho rằng khả năng nhận thức của chúng ta phát triển qua các giai đoạn cụ thể, điều này minh chứng cho phương pháp phát triển không liên tục. Khi chúng ta tiến sang một giai đoạn mới, có một sự thay đổi rõ rệt trong cách chúng ta suy nghĩ và lập luận.

Piaget nói rằng trẻ em phát triển một lược đồ [schemata] để giúp chúng hiểu thế giới. Lược đồ như phần dẫn nhập về quá trình nhận thức bạn đã đọc, là những khái niệm (mô hình tâm lý) được sử dụng để giúp chúng ta phân loại và giải thích thông tin. Khi trẻ em đến tuổi trưởng thành, chúng đã tạo ra lược đồ cho hầu hết mọi thứ. Khi trẻ em học thông tin mới, chúng điều chỉnh lược đồ của mình thông qua hai quá trình: tiếp thu [assimilation] và thích ứng [accommodation]. Đầu tiên, chúng sẽ tiếp thu thông tin hoặc trải nghiệm mới trong phạm vi dữ liệu hiện tại của mình. Tiếp thu là khi chúng thu nhận thông tin có thể tương ứng với những gì chúng đã biết và bổ sung thêm vào lược đồ ấy. Còn thích ứng là thời điểm chúng thay đổi lược đồ dựa trên thông tin mới nhận. Quá trình này tiếp tục khi trẻ tương tác với môi trường.

Ví dụ, bé Abdul 2 tuổi đã học được lược đồ về loài chó vì gia đình bé nuôi một chú chó giống Labrador Retriever. Khi Abdul nhìn thấy những con chó khác trong sách ảnh của mình, cậu ấy liền nói, “Mẹ ơi nhìn này, con chó!” Vậy nên, Abdul đã đồng hóa chúng vào lược đồ về chó của mình. Một ngày nọ, Abdul lần đầu tiên nhìn thấy một con cừu và nói, “Mẹ ơi, con chó kìa!”. Ở đây, Abdul có một lược đồ cơ bản rằng chó là động vật có bốn chân và có lông. Abdul nghĩ rằng tất cả các sinh vật có lông, bốn chân đều là chó. Khi mẹ của Abdul nói với bé rằng con vật mà bé nhìn thấy là con cừu chứ không phải chó, Abdul đã phải điều chỉnh lược đồ về loài chó của mình để bao gồm thêm thông tin mới trải nghiệm. Lược đồ của Abdul về loài chó quá chugn chung, vì không phải tất cả các sinh vật bốn chân và có lông đều là chó. Giờ đây, Abdul phải điều chỉnh lược đồ của mình về chó và tạo một lược đồ mới về loài cừu.

Giống như Freud và Erikson, sự phát triển tư tưởng của Piaget cung cấp một loạt các giai đoạn tương ứng với các độ tuổi. Ông đề xuất một lý thuyết về sự phát triển nhận thức theo bốn giai đoạn: cảm giác - vận động [sensorimotor], tiền thao tác [preoperational], thao tác cụ thể [concrete operational] và thao tác hình thức [formal operational] (Bảng 2).

Bảng 2. Piaget’s Stages of Cognitive Development
Age (years) Stage Description Developmental issues
0–2 Sensorimotor World experienced through senses and actions Object permanence
Stranger anxiety
2–6 Preoperational Use words and images to represent things, but lack logical reasoning Pretend play
Egocentrism
Language development
7–11 Concrete operational Understand concrete events and analogies logically; perform arithmetical operations Conservation
Mathematical transformations
12– Formal operational Formal operations
Utilize abstract reasoning
Abstract logic
Moral reasoning

Theo Piaget, trẻ sơ sinh không nhớ những vật đã không còn trong tầm nhìn của chúng. Piaget đã nghiên cứu phản ứng của trẻ sơ sinh khi một món đồ chơi cho trẻ sơ sinh xem lần đầu tiên và sau đó được giấu dưới một tấm chăn. Trẻ sơ sinh đã phát triển tính ổn định của đối tượng [object permanence] sẽ tìm đến món đồ chơi bị giấu, cho thấy rằng chúng biết nó vẫn tồn tại, trong khi những đứa trẻ sơ sinh chưa phát triển tính ổn định của đối tượng sẽ tỏ ra bối rối.

Theo quan điểm của Piaget, trong khoảng thời gian trẻ em phát triển tính ổn định của đối tượng, chúng cũng bắt đầu bộc lộ sự lo lắng với người lạ, đó là nỗi sợ hãi trước những người không quen. Trẻ sơ sinh có thể thể hiện điều này bằng cách khóc và quay lưng lại với người lạ, bằng cách bám vào người chăm sóc hoặc cố gắng vươn tay về phía những khuôn mặt quen thuộc như cha mẹ. Lo lắng về người lạ xảy ra khi một đứa trẻ không thể tiếp thu người lạ vào một lược đồ hiện có; do đó, nó không thể dự đoán trải nghiệm của mình với người lạ đó sẽ như thế nào, dẫn đến phản ứng sợ hãi.

Giai đoạn thứ hai của Piaget là giai đoạn tiền thao tác, khoảng từ 2 đến 7 tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ có thể sử dụng các biểu tượng để biểu thị từ ngữ, hình ảnh và ý tưởng, đó là lý do tại sao trẻ trong giai đoạn này thích tham gia các “trò chơi sắm vai”. Cánh tay của một đứa trẻ có thể trở thành cánh máy bay khi nó bay lượn quanh phòng hoặc với chiếc gậy trên tay, trẻ có thể trở thành một hiệp sĩ dũng cảm với một thanh kiếm. Trẻ em cũng bắt đầu sử dụng ngôn ngữ trong giai đoạn tiền thao tác, nhưng chúng không thể hiểu logic của người lớn hoặc thao tác thông tin tâm lý [mentally manipulate information] (thuật ngữ hoạt động đề cập đến thao tác thông tin logic, vì vậy trẻ ở giai đoạn này được coi là tiền thao tác).

Logic của trẻ em dựa trên kiến thức cá nhân của chúng về thế giới cho đến thời điểm đó, thay vì dựa trên kiến thức thông thường. Ví dụ, bố đưa một lát bánh pizza cho Keiko 10 tuổi và một lát khác cho em trai 3 tuổi của cô bé, Kenny. Miếng bánh pizza của Kenny được cắt thành năm miếng, vì vậy Kenny nói với chị gái rằng câu bé có nhiều bánh pizza hơn Keiko. Trẻ em ở giai đoạn này không thể thực hiện các thao tác xử lý thông tin trí tuệ bởi vì chúng chưa phát triển đủ hiểu biết về sự bảo toàn, rằng ngay cả khi bạn thay đổi hình dạng của một cái gì đó, nó vẫn có kích thước tương đồng miễn là không có chỗ nào bị bỏ đi hoặc thêm vào.

Trong giai đoạn này, chúng ta cũng nhìn thấy được trẻ thể hiện sự tự cho mình là trung tâm [egocentrism], có nghĩa là đứa trẻ không có khả năng suy xét góc nhìn của người khác. Một đứa trẻ ở giai đoạn này nghĩ rằng mọi người đều nhìn thấy, suy nghĩ và cảm thấy giống như chúng. Hãy quay lại với Kenny và Keiko. Sắp đến sinh nhật Keiko, vì vậy mẹ đưa Kenny đến cửa hàng đồ chơi để chọn một món quà cho chị gái của mình. Kenny chọn một món đồ hình Người Sắt là quà tặng cho chị gái mình, nghĩ rằng nếu mình thích món đồ chơi, thì chị gái mình cũng sẽ thích. Một đứa trẻ cho mình là trung tâm không thể kết nối được đến góc nhìn của người khác và thay vào đó quy kết góc nhìn của người khác là giống như góc nhìn của chính mình.

Giai đoạn thứ ba của Piaget là giai đoạn thao tác cụ thể, xảy ra từ khoảng 7 đến 11 tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ có thể suy nghĩ một cách logic về các sự kiện có thật (cụ thể); chúng nắm chắc cách sử dụng các con số và bắt đầu sử dụng các chiến lược ghi nhớ. Đứa trẻ có thể thực hiện các phép toán và hiểu được các phép biến đổi, chẳng hạn như phép cộng đối lập với phép trừ và phép nhân đối lập với phép chia. Trong giai đoạn này, trẻ cũng nắm vững khái niệm bảo toàn: Ngay cả khi một thứ gì đó thay đổi hình dạng, khối lượng, thể tích và số lượng của nó vẫn giữ nguyên. Ví dụ, nếu bạn rót nước từ ly cao sang ly thấp bạn vẫn có cùng một lượng nước. Nhớ lại Keiko và Kenny với chiếc bánh pizza? Làm thế nào để Keiko biết rằng Kenny đã sai khi cậu bé nói rằng mình có nhiều pizza hơn chị?

Trẻ em trong giai đoạn thao tác cụ thể cũng hiểu nguyên tắc đảo ngược, có nghĩa là các đối tượng có thể được thay đổi và sau đó trở lại hình dạng hoặc tình trạng ban đầu của chúng. Lấy ví dụ, bạn đổ nước vào cốc to và thấp: Bạn có thể đổ nước từ cốc thấp và to trở lại cốc cao mà nhỏ và vẫn có cùng một lượng (trừ đi một vài giọt).

Giai đoạn thứ tư và cuối cùng trong lý thuyết của Piaget là giai đoạn thao tác hình thức, từ khoảng 11 tuổi đến khi trưởng thành. Trong khi trẻ em trong giai đoạn thao tác cụ thể chỉ có thể suy nghĩ logic về các sự kiện cụ thể, trẻ em trong giai đoạn hoạt động hình thức cũng có thể xử lý các ý tưởng trừu tượng và các tình huống giả định. Trẻ em trong giai đoạn này có thể sử dụng tư duy trừu tượng để giải quyết vấn đề, xem xét các giải pháp thay thế và thử nghiệm các giải pháp này. Ở tuổi vị thành niên, một loại tự cho mình là trung tâm mới được tạo ra. Ví dụ, một cô bé 15 tuổi có một nốt mụn rất nhỏ trên mặt có thể nghĩ rằng nó rất to và cực kỳ bắt mắt, và tưởng lầm rằng những người khác cũng có cách nghĩ về nốt mụn đó y hệt như mình.

Cũng như những người đưa ra các lý thuyết phát triển khác, một số ý tưởng của Piaget đã bị chỉ trích dựa trên kết quả của những nghiên cứu sâu hơn. Ví dụ, một số nghiên cứu đương đại ủng hộ một mô hình phát triển liên tục hơn các giai đoạn rời rạc của Piaget (Courage & Howe, 2002; Siegler, 2005, 2006). Nhiều người khác cho rằng trẻ em đạt được các mốc nhận thức sớm hơn mà Piaget mô tả (Baillargeon, 2004; de Hevia & Spelke, 2010).

Theo Piaget, mức độ phát triển nhận thức cao nhất là tư duy thao tác hình thức, phát triển từ 11 đến 20 tuổi. Tuy nhiên, nhiều nhà tâm lý học phát triển không đồng ý với Piaget, đề xuất giai đoạn phát triển nhận thức thứ năm, được gọi là giai đoạn hậu hình thức [postformal] (Bassaries, 1984; Commons & Bresette, 2006; Sinnott, 1998). Trong tư duy hậu hình thức, các quyết định được đưa ra dựa trên các tình huống và hoàn cảnh, và logic được tích hợp với cảm xúc khi người lớn phát triển các nguyên tắc phụ thuộc vào bối cảnh. Một cách mà chúng ta có thể thấy sự khác biệt giữa một người trưởng thành trong suy nghĩ hậu hình thức và một người vị thành niên trong các thao tác hình thức là về cách họ xử lý các vấn đề liên quan đến cảm xúc.

Dường như khi chúng ta đến tuổi trưởng thành, khả năng giải quyết vấn đề của chúng ta thay đổi: Khi chúng ta cố gắng giải quyết vấn đề, chúng ta có xu hướng suy nghĩ sâu hơn về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, chẳng hạn như các mối quan hệ, công việc và chính trị (Labouvie-Vief & Diehl, 1999) . Do đó, những người tư duy theo kiểu hậu hình thức có thể rút ra những kinh nghiệm trong quá khứ để giúp họ giải quyết những vấn đề mới. Các chiến lược giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng tư duy hậu hình thức khác nhau, tùy thuộc vào tình huống. Điều đó có nghĩa là gì? Ví dụ, người lớn có thể nhận ra rằng những gì có vẻ là một giải pháp lý tưởng cho một vấn đề tại nơi làm việc liên quan đến bất đồng với đồng nghiệp lại có thể không phải là giải pháp tốt nhất.

Lý thuyết Phát triển Đạo đức

Một nhiệm vụ quan trọng bắt đầu từ thời thơ ấu và tiếp tục đến tuổi thành niên là phân biệt đúng sai. Nhà tâm lý học Lawrence Kohlberg (1927 – 1987) đã mở rộng nền tảng mà Piaget xây dựng liên quan đến sự phát triển nhận thức. Kohlberg tin rằng sự phát triển đạo đức, giống như sự phát triển nhận thức, tuân theo một loạt các giai đoạn. Để phát triển lý thuyết này, Kohlberg đặt ra những tình huống khó xử về đạo đức cho mọi người ở mọi lứa tuổi, và sau đó ông phân tích câu trả lời của họ để tìm ra bằng chứng về giai đoạn phát triển đạo đức. Trước khi tìm hiểu về các giai đoạn, hãy dành một phút để xem xét cách bạn sẽ trả lời một trong những tình huống khó xử về đạo đức nổi tiếng nhất của Kohlberg, thường được gọi là tình thế tiến thoái lưỡng nan của Heinz: Ở châu u, một phụ nữ suýt chết vì một loại ung thư đặc biệt. Có một loại thuốc mà các bác sĩ cho rằng có thể cứu được cô ấy. Đó là một dạng radium mà một người bán thuốc ở cùng thị trấn mới phát hiện ra. Loại thuốc này rất đắt, nhưng người bán thuốc đã tính phí gấp mười lần giá thuốc mà anh ta sản xuất. Anh ta đã trả 200 đô la mua radium và bán 2000 đô la cho một liều nhỏ. Chồng của người phụ nữ bị bệnh, Heinz, đã đến gặp tất cả những người mà anh ta biết để vay tiền, nhưng anh ta chỉ có thể nhận được khoảng 1000 đô la, tức là một nửa số tiền đó. Anh ta nói với người bán thuốc rằng vợ anh ta sắp chết và yêu cầu anh ta bán nó rẻ hơn hoặc trả tiền sau. Nhưng người bán thuốc nói: “Không, tôi đã phát hiện ra nó và tôi sẽ kiếm tiền từ nó”. Vì vậy, Heinz đã tuyệt vọng và đột nhập vào cửa hàng của người đàn ông để lấy thuốc cho vợ anh ta. Người chồng có nên làm vậy không? (Kohlberg, 1969).

Bạn sẽ trả lời tình huống khó xử này như thế nào? Kohlberg không quan tâm đến việc bạn trả lời có hay không cho tình huống khó xử: Thay vào đó, ông ấy quan tâm đến lý do đằng sau câu trả lời của bạn.

Sau khi trình bày cho mọi người vấn đề này và nhiều tình huống khó xử khác về đạo đức, Kohlberg đã xem xét phản ứng của mọi người và đặt họ vào các giai đoạn lý luận đạo đức khác nhau (Hình 9.6). Theo Kohlberg, một cá nhân tiến bộ từ năng lực về đạo đức tiền quy ước [pre-conventional morality] (trước 9 tuổi) đến năng lực về đạo đức quy ước [conventional morality] (giai đoạn đầu tuổi vị thành niên), và hướng tới đạt được đạo đức hậu quy ước [post-conventional morality] (một khi đạt được tư duy thao tác hình thức) mà chỉ có ít người hoàn toàn đạt được. Kohlberg đã đưa ra những câu trả lời ở giai đoạn cao nhất phản ánh lý do rằng Heinz nên ăn cắp thuốc vì mạng sống của vợ anh ta quan trọng hơn việc kiếm tiền của người bán thuốc. Giá trị của một mạng người đặt nặng hơn lòng tham của người bán thuốc.

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng ngay cả có những người có những lý lẽ phức tạp và đúng theo đạo đức hậu quy ước nhất cũng có thể đưa ra các lựa chọn khác vì những lý do tiền quy ước và đơn giản nhất. Nhiều nhà tâm lý học đồng ý với lý thuyết về sự phát triển đạo đức của Kohlberg nhưng chỉ ra rằng lý luận đạo đức rất khác với hành vi đạo đức. Đôi khi những gì chúng ta nói chúng ta sẽ làm trong một tình huống không phải là những gì chúng ta thực sự làm trong tình huống đó. Nói cách khác, chúng ta có thể "nói suông", nhưng không phải "nói là làm".

Lý thuyết này áp dụng cho giới nam và giới nữ như thế nào? Kohlberg (1969) cảm thấy rằng nam giới vượt qua giai đoạn bốn trong quá trình phát triển đạo đức nhiều hơn nữ giới. Ông tiếp tục lưu ý rằng phụ nữ dường như thiếu hụt khả năng lý luận đạo đức. Những ý tưởng này không được Carol Gilligan đón nhận. Gilligan, trợ lý nghiên cứu của Kohlberg, người đã phát triển ý tưởng phát triển đạo đức của riêng mình. Trong cuốn sách đột phá, “In a Different Voice: Psychological Theory and Women’s Development”, Gilligan (1982) đã chỉ trích lý thuyết của người hướng dẫn mình trước đây vì nó chỉ dựa trên những người đàn ông và nam sinh da trắng thuộc tầng lớp thượng lưu. Cô lập luận rằng phụ nữ không thiếu lý luận đạo đức, cô đề xuất rằng nam giới và nữ giới suy luận khác nhau. Trẻ em gái và phụ nữ tập trung nhiều hơn vào việc duy trì kết nối và tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa các cá nhân. Vì vậy, trước tình thế khó xử của Heinz, nhiều cô gái và phụ nữ phản ứng rằng Heinz không nên ăn trộm thuốc. Lý luận của họ là nếu anh ta ăn cắp thuốc, bị bắt và bị tống vào tù, thì anh ta và vợ anh ta sẽ bị chia cắt, và cô ấy có thể chết trong khi anh ta vẫn ở trong tù.