Cũng như sự gắn bó là cột mốc tâm lý xã hội chủ yếu của giai đoạn nhi đồng, thì cột mốc tâm lý xã hội chính khác của giai đoạn nhi đồng là sự phát triển ý thức tích cực về cái tôi. Làm thế nào để nhận thức về cái tôi phát triển? Trẻ sơ sinh không có khái niệm về cái tôi, đó là sự hiểu biết về con người của chúng. Nếu bạn đặt một em bé trước gương, em bé sẽ đưa tay ra để chạm vào hình ảnh của mình và nghĩ rằng đó là một em bé khác. Tuy nhiên, đến khoảng 18 tháng, một đứa trẻ mới biết đi sẽ nhận ra người trong gương là chính mình. Làm sao chúng ta biết được điều này? Trong một thí nghiệm nổi tiếng, một nhà nghiên cứu đã đặt một chấm sơn màu đỏ lên mũi của trẻ em trước khi đặt chúng trước gương (Amsterdam, 1972), và thực nghiệm này thường gọi là kiểm tra gương [mirror test], hành vi này được chứng minh bởi sự xuất hiện ở con người và một số loài khác và được coi là bằng chứng về sự tự nhận thức (Archer, 1992). Khi được 18 tháng tuổi, trẻ sẽ tự sờ vào mũi khi nhìn thấy sơn, ngạc nhiên khi thấy mình có một vết trên mặt. Đến 24 - 36 tháng tuổi, trẻ có thể gọi tên và (hoặc) chỉ vào mình trong ảnh, thể hiện rõ sự tự nhận biết.

Trẻ em từ 2 - 4 tuổi thể hiện sự gia tăng mạnh mẽ trong hành vi xã hội khi chúng đã hình thành khái niệm về cái tôi. Chúng thích chơi với những đứa trẻ khác, nhưng chúng khó chia sẻ đồ chơi của mình. Ngoài ra, thông qua trò chơi, trẻ khám phá và hiểu vai trò giới tính của mình và có thể tự nhận mình là con gái hay con trai (Chick, Heilman-Houser, & Hunter, 2002). Đến 4 tuổi, trẻ có thể hợp tác với những trẻ khác, chia sẻ khi được yêu cầu và tách khỏi cha mẹ mà ít tỏ ra lo lắng. Trẻ ở độ tuổi này cũng bộc lộ tính tự chủ, bắt đầu các công việc và thực hiện các kế hoạch. Thành công trong những nhiệm vụ này góp phần vào cảm giác tích cực của bản thân. Khi trẻ lên 6, chúng có thể tự nhận dạng mình như là một thành viên trong lớp học: “Tôi là học sinh lớp một!”. Những đứa trẻ ở độ tuổi đi học so sánh bản thân với các bạn và khám phá ra rằng chúng có năng lực trong một số lĩnh vực và kém hơn ở những lĩnh vực khác. Ở độ tuổi này, trẻ nhận ra những nét tính cách của riêng mình cũng như một số đặc điểm khác mà trẻ muốn có. Ví dụ, My, 10 tuổi, nói: “Tôi khá nhút nhát. Tôi ước mình có thể nói nhiều hơn như người bạn Hồng của mình ”.

Định hình cái tôi là quá trình quan trọng để phát triển lành mạnh. Đứa trẻ nhận dạng được về cái tôi một cách tích cực có xu hướng tự tin hơn, học tốt hơn ở trường, hành động độc lập hơn và sẵn sàng thử các hoạt động mới (Maccoby, 1980; Ferrer & Fugate, 2003). Việc hình thành quan niệm về cái tôi tích cực bắt đầu từ giai đoạn trẻ mới biết đi của Erikson, khi trẻ thiết lập tính tự chủ và tự tin vào khả năng của mình. Sự phát triển khái niệm về mình tiếp tục ở trường tiểu học, khi trẻ so sánh mình với những người khác. Khi sự so sánh thuận lợi, trẻ cảm thấy có năng lực và có động lực để làm việc chăm chỉ hơn và hoàn thành nhiều hơn. Khái niệm về cái tôi được đánh giá lại trong giai đoạn thành niên của Erikson, khi thanh thiếu niên hình thành bản sắc cá nhân. Trẻ vị thành niên nội dung hóa những thông điệp mà chúng nhận được liên quan đến điểm mạnh và điểm yếu của mình, giữ một số thông điệp và từ chối nhận những thông điệp khác. Những đứa trẻ vị thành niên đã đạt được sự hình thành bản sắc cá nhân riêng có khả năng đóng góp tích cực cho xã hội (Erikson, 1968).

Cha mẹ có thể làm gì để nuôi dưỡng sự định hình cái tôi lành mạnh? Diana Baumrind (1971 - 1991) cho rằng phong cách nuôi dạy con cái có thể là một yếu tố. Cách chúng ta làm cha mẹ là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển về mặt xã hội của trẻ. Baumrind đã phát triển và hoàn thiện một lý thuyết mô tả bốn phong cách nuôi dạy con cái là uy quyền [authoritative], độc đoán [authoritarian], dễ dãi [permissive] và thiếu trách nhiệm [uninvolved]. Với phong cách uy quyền, cha mẹ đưa ra các yêu cầu hợp lý và giới hạn nhất quán, thể hiện sự ấm áp và tình cảm, đồng thời lắng nghe quan điểm của trẻ. Cha mẹ đặt ra các quy tắc và giải thích lý do đằng sau chúng. Họ cũng linh hoạt và sẵn sàng đưa ra các ngoại lệ đối với các quy tắc trong một số trường hợp nhất định, ví dụ, tạm thời nới lỏng các quy tắc về giờ đi ngủ để cho phép đi bơi vào ban đêm trong kỳ nghỉ gia đình. Trong 4 phong cách nuôi dạy con cái, phong cách uy quyền là phong cách được khuyến khích nhiều nhất trong xã hội Mỹ hiện đại. Trẻ em Mỹ được nuôi dưỡng bởi các bậc cha mẹ uy quyền có xu hướng chứa đựng lòng tự trọng và kỹ năng xã hội cao. Tuy nhiên, phong cách nuôi dạy con cái hiệu quả khác nhau như một chức năng của văn hóa và như Small (1999) đã chỉ ra, phong cách uy quyền không nhất thiết phải được ưa thích hoặc phù hợp ở tất cả các nền văn hóa.

Trong phong cách độc đoán, cha mẹ đặt giá trị nặng về sự tuân thủ và vâng lời. Cha mẹ thường nghiêm khắc, theo dõi chặt chẽ con cái và ít ấm áp. Trái ngược với phong cách uy quyền, cha mẹ độc đoán có lẽ sẽ không nới lỏng các quy tắc trước khi đi ngủ trong kỳ nghỉ vì họ coi các quy tắc đã được đặt ra và họ mong đợi sự vâng lời. Phong cách này có thể tạo ra những đứa trẻ lo lắng, thu mình và rầu rĩ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chỉ ra rằng cách nuôi dạy con cái độc đoán cũng có lợi như phong cách uy quyền ở một số nhóm dân tộc (Russell, Crockett, & Chao, 2010). Ví dụ, trẻ em người Mỹ gốc Hoa thuộc thế hệ đầu tiên được nuôi dưỡng bởi các bậc cha mẹ độc đoán đã hoạt động tốt ở trường học như những đứa trẻ cùng lứa được nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ uy quyền (Russell và cộng sự, 2010).

Đối với những bậc cha mẹ áp dụng phong cách nuôi dạy con cái dễ dãi, những đứa trẻ thể hiện tâm thế bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Cha mẹ dễ dãi đưa ra ít yêu cầu và hiếm khi sử dụng hình phạt. Họ có xu hướng bồi dưỡng và thương yêu nhiều, và có thể đóng vai trò như một người bạn hơn là cha mẹ. Xét về ví dụ của chúng ta về giờ đi ngủ trong kỳ nghỉ, các bậc cha mẹ dễ dãi có thể không có quy tắc nào về giờ đi ngủ, thay vào đó họ cho phép đứa trẻ chọn giờ đi ngủ của mình cho dù đi nghỉ hay không. Không có gì ngạc nhiên khi những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ dễ dãi có xu hướng thiếu kỷ luật tự giác, và phong cách nuôi dạy dễ dãi có liên quan đến điểm số thấp (Dornbusch, Ritter, Leiderman, Roberts, & Fraleigh, 1987). Phong cách dễ dãi cũng có thể góp phần vào các hành vi nguy cơ khác như lạm dụng rượu (Bahr & Hoffman, 2010), nguy cơ hành vi tình dục nguy hiểm đặc biệt là ở bé gái (Donenberg, Wilson, Emerson, & Bryant, 2002) và gia tăng các hành vi gây rối của bé trai (Parent và cộng sự, 2011). Tuy nhiên, có một số kết quả tích cực liên quan đến những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ dễ dãi. Chúng có xu hướng có lòng tự trọng cao hơn, kỹ năng xã hội tốt hơn và báo cáo mức độ trầm cảm thấp hơn (Darling, 1999).

Với phong cách nuôi dạy con cái thiếu trách nhiệm, cha mẹ thờ ơ, không quan tâm và đôi khi được coi là bỏ bê. Họ không đáp ứng nhu cầu của trẻ và đưa ra tương đối ít yêu cầu. Điều này có thể là do trầm cảm nặng hoặc lạm dụng chất kích thích, hoặc các yếu tố khác như cha mẹ quá tập trung vào công việc. Những bậc cha mẹ này có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản của trẻ, nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu khác. Những đứa trẻ được nuôi dạy theo phong cách nuôi dạy này thường thu mình về cảm xúc, sợ hãi, lo lắng, học kém và có nguy cơ cao bị lạm dụng chất gây nghiện (Darling, 1999).

Như bạn có thể thấy, phong cách nuôi dạy con cái ảnh hưởng đến việc thích ứng của trẻ, nhưng tính khí của một đứa trẻ cũng có thể ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái? Tính khí đề cập đến những đặc điểm bẩm sinh ảnh hưởng đến cách một người suy nghĩ, cư xử và phản ứng với môi trường. Trẻ em có tính khí dễ chịu thể hiện cảm xúc tích cực, thích ứng tốt với sự thay đổi và dễ điều tiết cảm xúc của mình. Ngược lại, những đứa trẻ có tính khí khó chịu thể hiện những cảm xúc tiêu cực và khó thích nghi với sự thay đổi và khó điều tiết cảm xúc của mình. Những đứa trẻ khó tính nhiều khả năng thách thức cha mẹ, giáo viên và những người chăm sóc khác (Thomas, 1984). Do đó, có thể những đứa trẻ dễ tính (tức là thích giao du, dễ thích nghi và dễ xoa dịu) có xu hướng muốn được cha mẹ dạy dỗ nhiệt tình, trong khi những đứa trẻ đòi hỏi, cáu kỉnh, thu mình lại gợi lên sự khó chịu ở cha mẹ hoặc khiến cha mẹ chúng chán nản (Sanson & Rothbart, 1995).