Tâm lý lứa tuổi Giai đoạn tiền sản Các giai đoạn phát triển khi mang thai

Có ba giai đoạn phát triển tiền sản: mầm thai [germinal], phôi thai [embryonic] và bào thai [fetal]. Hãy cùng xem điều gì sẽ xảy ra với em bé đang phát triển trong từng giai đoạn này.

Mầm thai (1 - 2 tuần tuổi): Trong phần đọc về cơ sở sinh học trước đó, chúng ta đã tìm hiểu về di truyền và DNA. DNA của cha và mẹ được truyền cho con vào thời điểm thụ thai. Sự thụ thai xảy ra khi tinh trùng thụ tinh với trứng và tạo thành hợp tử (Hình 9.7). Hợp tử bắt đầu như một cấu trúc một tế bào được tạo ra khi tinh trùng và trứng hợp nhất. Cấu tạo gen và giới tính của em bé được thiết lập vào thời điểm này. Trong tuần đầu tiên sau khi thụ thai, hợp tử phân chia và nhân lên, đi từ cấu trúc một tế bào thành hai tế bào, sau đó là bốn tế bào, sau đó là tám tế bào, v.v. Quá trình phân chia tế bào này được gọi là nguyên phân. Nguyên phân là một quá trình “mong manh dễ vỡ”, và ít hơn một nửa số hợp tử sống sót sau hai tuần đầu tiên (Hall, 2004). Sau 5 ngày nguyên phân có 100 tế bào và sau 9 tháng có hàng tỉ tế bào. Khi các tế bào phân chia, chúng trở nên chuyên biệt hơn, tạo thành các cơ quan và bộ phận cơ thể khác nhau. Trong giai đoạn mầm thai, khối lượng tế bào vẫn chưa tự gắn vào niêm mạc tử cung của mẹ. Một khi nó hoạt động, giai đoạn tiếp theo bắt đầu.

Phôi thai (3 - 8 tuần tuổi): Sau khi hợp tử phân chia khoảng 7 – 10 ngày và có 150 tế bào sẽ đi xuống ống dẫn trứng và tự làm tổ trong niêm mạc tử cung. Sau khi được cấy ghép, sinh vật đa bào [multi-cellular organism] này được gọi là phôi thai. Lúc này các mạch máu phát triển, tạo thành nhau thai. Nhau thai là một cấu trúc kết nối với tử cung, cung cấp chất dinh dưỡng và oxy từ mẹ đến phôi thai đang phát triển thông qua dây rốn. Các cấu trúc cơ bản của phôi thai bắt đầu phát triển thành các vùng sẽ trở thành đầu, ngực và bụng. Trong giai đoạn phôi thai, tim bắt đầu đập và các cơ quan hình thành và bắt đầu hoạt động. Ống thần kinh hình thành dọc theo mặt sau của phôi thai, phát triển thành tủy sống và não.

Bào thai (9 - 40 tuần tuổi): Khi bào thai được khoảng 9 tuần tuổi, bào thai được gọi là thai nhi. Ở giai đoạn này, bào thai có kích thước bằng một hạt đậu thận (tên gọi khác đậu tây) [kidney bean] và bắt đầu có hình dạng dễ nhận biết của một con người khi “đuôi” dần biến mất. Từ tuần thứ 9 - 12, các cơ quan sinh dục bắt đầu biệt hóa. Vào khoảng tuần thứ 16, thai nhi dài khoảng 4,5 inch. Ngón tay và ngón chân đã phát triển đầy đủ, có thể nhìn thấy dấu vân tay. Khi thai nhi đến tháng thứ 6 (24 tuần), nó nặng khoảng 0,6 kg. Thính giác đã phát triển nên thai nhi có thể phản ứng với âm thanh. Các cơ quan nội tạng, chẳng hạn như phổi, tim, dạ dày và ruột, đã hình thành đủ để thai nhi sinh non vào thời điểm này có cơ hội sống sót bên ngoài tử cung của người mẹ. Trong suốt giai đoạn bào thai, não bộ tiếp tục tăng trưởng và phát triển, tăng gần gấp đôi kích thước từ tuần 16 đến 28. Vào khoảng tuần thứ 36, thai nhi gần như đã sẵn sàng để chào đời. Nó nặng khoảng 2,7 kg và dài khoảng 0,4 mét và đến tuần 37, tất cả các hệ thống cơ quan của thai nhi đã phát triển đủ để nó có thể tồn tại bên ngoài tử cung của mẹ mà không gặp nhiều rủi ro liên quan đến sinh non. Thai nhi tiếp tục tăng cân và phát triển chiều dài cho đến khi được khoảng 40 tuần. Khi đó, thai nhi có rất ít chỗ để di chuyển và ngày sinh sắp xảy ra. Sự tiến triển qua các giai đoạn được thể hiện trong Hình 1.

Hình 01