Cách thức học tập Học tập quan sát

Học tập quan sát

Đã đọc 0%

Con người và các loài động vật khác có khả năng học hỏi bằng cách quan sát. Như bạn sẽ thấy, cụm từ “khỉ thấy, khỉ làm” thực sự là rất chính xác (Hình 1). Và các loài động vật khác cũng tương tự như vậy. Ví dụ, trong một nghiên cứu về học tập xã hội ở tinh tinh, các nhà nghiên cứu đã đưa hộp nước trái cây có ống hút cho hai nhóm tinh tinh được nuôi nhốt. Nhóm đầu tiên nhúng ống hút vào hộp nước trái cây sau đó nhấc lên rồi mới “hút” được một chút lượng nhỏ nước trái cây dính lại ở cuối ống hút. Còn nhóm thứ hai hút nước trái cây trực tiếp qua ống hút, thu được nhiều nước trái cây hơn. Khi nhóm đầu tiên, gọi là 'những thợ đào mỏ', chúng quan sát nhóm thứ hai được gọi là 'những kẻ hút máu', bạn nghĩ điều gì đã xảy ra? Tất cả các “thợ đào” trong nhóm đầu tiên đều chuyển sang hút trực tiếp qua ống hút. Chỉ cần quan sát những con tinh tinh khác và lập mô hình hành vi của chúng, chúng đã học được rằng đây là một phương pháp lấy nước trái cây hiệu quả hơn (Yamamoto, Humle và Tanaka, 2013).

Hình 1

Sự bắt chước này rõ ràng hơn khi xuất hiện ở con người, nhưng sự bắt chước có thực sự là hình thức “tâng bốc” chân thành nhất? Hãy xem xét những trải nghiệm của Hà với học tập qua quan sát. Cậu con trai 9 tuổi của Hà, tên là Bảo, đang gặp rắc rối ở trường và rất ngỗ nghịch khi ở nhà. Hà lo sợ rằng tương lai của Bảo sẽ kết thúc như những người anh em ruột của cô, hai người này đã phải ngồi tù. Một ngày nọ, sau một ngày tồi tệ khác ở trường và một phản hồi tiêu cực khác từ giáo viên, Hà, kết thúc sự thông minh và kiềm chế của mình bằng việc đánh con trai bằng thắt lưng để bắt nó phải ngoan ngoãn, nghe lời và không được nghịch ngợm, phách lối nữa. Tối hôm đó, khi cho các con đi ngủ, Hà chứng kiến cô con gái bốn tuổi của mình, Hương, lấy dây đai quất mạnh vào con gấu bông. Hà kinh hoàng, nhận ra rằng Hương đang bắt chước chính mình, như cách mà mình vừa trừng phạt cậu con trai. Đó là lúc Hà biết rằng cô sẽ dùng một cách khác để đưa đứa con trai của mình vào khuôn khổ kỷ luật.  

Giống như Tolman, người có các thí nghiệm với chuột đã gợi ý một yếu tố nhận thức đối với việc học, ý tưởng của nhà tâm lý học Albert Bandura về việc học tập khác với ý tưởng của các nhà hành vi cực đoan. Bandura và các nhà nghiên cứu khác đã đề xuất một diện mạo mới cho chủ nghĩa hành vi được gọi là lý thuyết học tập xã hội [social learning theory], và đưa các quá trình nhận thức vào trong lý thuyết hành vi. Theo Bandura, chủ nghĩa hành vi thuần túy không thể giải thích tại sao việc học tập có thể diễn ra trong trường hợp không có sự củng cố hay kích thích từ bên ngoài. Ông cảm thấy rằng các trạng thái tâm lý bên trong cũng phải có vai trò trong việc học tập và việc học tập thông qua quan sát bao gồm nhiều thứ hơn chỉ là việc bắt chước đơn thuần. Khi bắt chước, một người chỉ cần sao chép những gì mà họ nhìn thấy ở một người khác. Học tập quan sát phức tạp hơn nhiều. Theo Lefrançois (2012), có một số cách mà học tập quan sát có thể xảy ra:

  • Bạn học được một phản ứng mới đó là sau khi đồng nghiệp bị sếp chê bai thậm tệ vì đến làm muộn. Sau đó, bạn bắt đầu rời nhà sớm hơn 10 phút để không bị muộn nhằm tránh viễn cảnh bị sếp mắng té tát như đồng nghiệp hôm nọ.
  • Bạn chọn bắt chước người khác hay không thì tùy thuộc vào những gì bạn đã xảy ra với người khác khi làm điều đó. Ví dụ như Hoàng và cha của anh ấy! Khi học lướt sóng, Hoàng có thể quan sát cách cha mình bật lên thành công trên ván lướt sóng của mình và sau đó cố gắng làm điều tương tự. Mặt khác, Hoàng có thể học cách không chạm vào bếp nóng sau khi chứng kiến cha mình bị bỏng trên bếp. Tức là Hoàng có sự chọn lựa việc có hay không làm như cha của mình.
  • Bạn học một quy tắc chung mà bạn có thể áp dụng cho các tình huống khác. 

Bandura xác định ba loại mô hình: trực tiếp, bằng lời nói và biểu tượng. Người làm mẫu trực tiếp thể hiện một hành vi, như khi Dũng đứng lên trên ván lướt sóng để Hoàng có thể xem ông ấy đã làm như thế nào. Mô hình hướng dẫn bằng lời nói không thực hiện hành vi, mà thay vào đó giải thích hoặc mô tả hành vi, như khi một huấn luyện viên bóng đá yêu cầu các cầu thủ trẻ của mình đá bóng bằng cạnh bàn chân, không phải bằng ngón chân. Một mô hình biểu tượng có thể là các nhân vật hư cấu hoặc người thật thể hiện các hành vi trong sách, phim, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử hoặc các nguồn từ Internet (Hình 2).

Hình 2

Tất nhiên, chúng ta không học tập hành vi chỉ đơn giản bằng cách quan sát một mô hình mẫu. Bandura đã mô tả các bước cụ thể mà trong quá trình xây dựng mô hình phải tuân theo nếu muốn học tập thành công, đó là: chú ý, duy trì, tái tạo và động lực. Đầu tiên, bạn phải tập trung vào những gì mô hình mẫu đang làm — bạn phải chú ý. Tiếp theo, bạn phải có khả năng giữ lại hoặc ghi nhớ những gì bạn đã quan sát; đây là sự duy trì. Sau đó, bạn phải có khả năng thực hiện hành vi mà bạn đã quan sát và ghi nhớ; đây là sự tái tạo. Cuối cùng, bạn phải có động lực. Bạn cần phải muốn sao chép hành vi và bạn có được thúc đẩy hay không phụ thuộc vào những gì đã xảy ra với mô hình mẫu. Nếu bạn thấy rằng người mẫu/ mô hình mẫu đã được củng cố cho hành vi của chính họ, bạn sẽ có động lực hơn để sao chép từ họ. Điều này được gọi là tăng cường gián tiếp. Mặt khác, nếu bạn quan sát thấy người mẫu/mô hình mẫu bị phạt, bạn sẽ ít có động lực để sao chép hơn. Đây được gọi là hình phạt gián tiếp. Ví dụ: Hãy tưởng tượng rằng cô bé Ngọc bốn tuổi nhìn chị gái mình là Linh nghịch đồ trang điểm của mẹ và sau đó Linh bị Hà phát hiện và phạt Linh đứng vào góc tường. Sau khi mẹ chúng rời khỏi phòng, Ngọc cũng muốn chơi đồ trang điểm của mẹ, nhưng cô bé không muốn bị phạt đứng góc tường như chị của mình. Bạn nghĩ cô bé ấy đã làm gì? Một khi bạn thực sự thể hiện hành vi mới, sự củng cố bạn nhận được sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bạn có lặp lại hành vi đó hay không.

Bandura đã nghiên cứu hành vi mô hình hóa [modeling], đặc biệt là việc trẻ em đã mô hình hóa các hành vi hung hăng và bạo lực từ người lớn (Bandura, Ross, & Ross, 1961). Ông đã tiến hành thực nghiệm với một con búp bê bơm hơi dài 1.5 mét mà ông gọi là búp bê Bobo. Trong thực nghiệm này, hành vi hung hăng của trẻ em bị ảnh hưởng bởi việc chúng có bị giáo viên trừng phạt vì hành vi của mình hay không. Trong một tình huống khi một đứa trẻ chứng kiến một giáo viên đã có hành động hung hăng với con búp bê, đánh, ném và thậm chí đấm vào con búp bê. Có hai loại phản ứng của trẻ em đối với hành vi của giáo viên này. Nếu như những đứa trẻ có hành vi làm những gì mà giáo viên làm vừa làm, nhưng bị cô giáo phạt, chúng có xu hướng giảm những hành vi như cô giáo chúng làm. Ngược lại, nếu được giáo viên bỏ qua hoặc tán dương thì chúng (không bị trừng phạt khi làm những hành động giống giáo viên), bọn trẻ sẽ bắt chước những gì cô giáo này làm (đấm, đá) và thậm chí còn la mắng y như những gì mà giáo viên đã hét vào con búp bê. 

Hình 3

Ý nghĩa của nghiên cứu này là gì? Bandura kết luận rằng chúng ta quan sát và học hỏi, và việc học tập này có thể có cả tác động tích cực đến xã hội lẫn chống đối xã hội. Các mô hình ủng hộ xã hội [prosocial] - có tác động tích cực, có thể được sử dụng để khuyến khích hành vi được xã hội chấp nhận. Các bậc cha mẹ đặc biệt nên lưu ý phát hiện này. Nếu bạn muốn con bạn đọc, hãy đọc cho chúng nghe. Hãy để bọn trẻ thấy bạn đang đọc. Giữ sách trong nhà của bạn. Nói về những cuốn sách yêu thích của bạn. Nếu bạn muốn con bạn khỏe mạnh, hãy để chúng thấy bạn ăn uống đúng cách, tập thể dục và dành thời gian tham gia các hoạt động thể chất cùng nhau. Điều này cũng đúng đối với những phẩm chất như tử tế, lịch sự và trung thực. Ý tưởng chính là trẻ nhỏ quan sát và học hỏi từ cha mẹ chúng, thậm chí cả đạo đức của cha mẹ chúng, vì vậy hãy kiên định và bỏ đi câu ngạn ngữ cũ “Hãy làm như tôi nói, không phải như tôi làm”, bởi vì trẻ em có xu hướng sao chép những gì bạn làm thay vì những gì bạn nói. Bên cạnh các bậc cha mẹ, nhiều nhân vật của công chúng, chẳng hạn như Martin Luther King, Jr. và Mahatma Gandhi, được coi là những hình mẫu thuận xã hội, những người có khả năng truyền cảm hứng cho sự thay đổi xã hội toàn cầu. Bạn có thể nghĩ về một người từng là hình mẫu tích cực xã hội trong cuộc sống của bạn không? 

Những tác động của phản xã hội mà học tập quan sát đem lại cũng đáng được đề cập. Như bạn đã thấy từ ví dụ về Hà ở đầu phần này, con gái của cô ấy đã thấy được hành vi hung hăng của Hà và sao chép nó. Nghiên cứu cho thấy rằng điều này có thể giúp giải thích tại sao trẻ em bị lạm dụng thường lớn lên trở thành kẻ bạo hành (Murrell, Christoff, & Henning, 2007). Trên thực tế, khoảng 30% trẻ em bị lạm dụng trở thành cha mẹ ngược đãi (Bộ Y tế & Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, 2013). Chúng ta có xu hướng làm những gì chúng ta biết. Những đứa trẻ bị lạm dụng, lớn lên khi chứng kiến cha mẹ đối mặt với sự tức giận và thất vọng thông qua các hành vi bạo lực và hung hãn, thường tự học cách cư xử theo cách đó. Đáng buồn thay, đó là một vòng luẩn quẩn khó phá vỡ.

Một số nghiên cứu cho rằng các chương trình truyền hình, phim ảnh và trò chơi điện tử bạo lực cũng có thể có tác dụng gây ra những yếu tố chống đối xã hội xã hội (Hình 3) mặc dù cần phải nghiên cứu thêm để hiểu các khía cạnh tương quan và nhân quả của hành vi và bạo lực trên phương tiện truyền thông. Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc xem bạo lực và gây hấn ở trẻ em (Anderson & Gentile, 2008; Kirsch, 2010; Miller, Grabell, Thomas, Bermann, & Graham-Bermann, 2012). Những phát hiện này có thể không đáng ngạc nhiên, vì một đứa trẻ tốt nghiệp trung học đã tiếp xúc với khoảng 200.000 hành vi bạo lực bao gồm giết người, cướp của, tra tấn, đánh bom, đánh đập và hãm hiếp thông qua nhiều hình thức truyền thông (Huston và cộng sự, 1992). Không chỉ xem bạo lực trên phương tiện truyền thông có thể ảnh hưởng đến hành vi hung hăng bằng cách dạy mọi người hành động theo cách đó trong các tình huống thực tế, mà còn có ý kiến cho rằng việc tiếp xúc nhiều lần với các hành vi bạo lực cũng khiến người bị trơ cảm xúc với nó. Các nhà tâm lý học đang làm việc để tìm hiểu các khía cạnh này.