Trạng thái ý thức Nhịp sinh học

Nhịp sinh học

Đã đọc 0%

Nhịp sinh học là nhịp bên trong của các hoạt động sinh học. Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là một ví dụ về nhịp sinh học — một kiểu thay đổi của cơ thể lặp đi lặp lại theo chu kỳ. Một chu kỳ kinh nguyệt hoàn chỉnh mất khoảng 28 ngày - một tháng âm lịch - nhưng nhiều chu kỳ sinh học ngắn hơn nhiều. Ví dụ, nhiệt độ cơ thể dao động theo chu kỳ trong khoảng thời gian 24 tiếng (Hình 1). Sự tỉnh táo có liên quan đến nhiệt độ cơ thể cao hơn và buồn ngủ khi nhiệt độ cơ thể thấp hơn.

Hình 1

Một ví dụ về “nhịp sinh học hằng ngày” [circadian rhythm] là mô hình dao động nhiệt độ, lặp lại mỗi ngày. Nhịp sinh học hằng ngày là nhịp sinh học diễn ra trong khoảng thời gian 24 giờ. Chu kỳ thức - ngủ của chúng ta, có liên quan đến chu kỳ sáng - tối tự nhiên của môi trường, đây có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất về nhịp sinh học hằng ngày, tuy nhiên mỗi ngày chúng ta cũng có những biến động về nhịp tim, huyết áp, lượng đường trong máu và nhiệt độ cơ thể. Một số nhịp sinh học có vai trò nhất định trong những thay đổi trong trạng thái ý thức của chúng ta.

Chúng ta đã nghe nói nhiều về “đồng hồ sinh học” phải không? Trong não, vùng dưới đồi, nằm trên tuyến yên, là trung tâm chính của cân bằng nội môi. Cân bằng nội môi có khuynh hướng duy trì sự cân bằng, hoặc ở mức tối ưu trong một hệ thống sinh học.

Cơ chế đồng hồ [clock mechanism] của não nằm trong một khu vực của vùng dưới đồi được gọi là nhân trên chéo [suprachiasmatic nucleus]. Các sợi trục của tế bào thần kinh nhạy cảm với ánh sáng trong võng mạc cung cấp thông tin cho nhân trên chéo dựa trên lượng ánh sáng hiện có, cho phép đồng hồ bên trong này được đồng bộ hóa với thế giới bên ngoài (Klein, Moore, & Reppert, 1991; Welsh, Takahashi, & Kay , 2010) (Hình 3).

Hình 2

Dù là chim sơn ca, chim cú hay bất kể loài chim nào đi chăng nữa thì chúng vẫn có những tình huống mà nhịp đồng hồ sinh học không đồng bộ với môi trường bên ngoài. Để điều này xảy ra thì chúng ta hãy nghĩ đến việc di chuyển qua nhiều múi giờ. Khi di chuyển qua các múi giờ khác nhau, chúng ta thường gặp phải một tình trạng rối loạn giấc ngủ tạm thời gọi là “jet lag”. “Jet lag” là một tập hợp các triệu chứng do sự không khớp giữa chu kỳ sinh học bên trong và môi trường ngoài. Những triệu chứng này bao gồm mệt mỏi, uể oải, cáu kỉnh và mất ngủ (tức là khó đi vào giấc ngủ liên tục ít nhất ba đêm một tuần trong khoảng thời gian một tháng) (Roth, 2007).

Những người có lịch làm việc luân phiên đêm ngày cũng có khả năng bị gián đoạn nhịp sinh học. Làm việc theo ca luân phiên là một lịch trình làm việc thay đổi từ sáng - tối, tối - sáng trong tuần, hoặc các hàng tuần đêm, tuần ngày trong tháng. Ví dụ, một người có thể thứ Hai làm việc từ 7:00 sáng đến 3:00 chiều. Thứ Ba thì lại làm việc vào lúc 3 giờ sáng đến 11 giờ. Còn thứ Tư thì làm việc vào lúc 11 giờ sáng đến 7 giờ tối. Trong những trường hợp như vậy, lịch trình của cá nhân thay đổi thường xuyên đến mức khó duy trì nhịp sinh học bình thường. Điều này thường dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ và có thể dẫn đến các dấu hiệu trầm cảm và lo âu. Những loại lịch trình này phổ biến đối với các cá nhân làm việc trong các ngành chăm sóc sức khỏe, dịch vụ, hoặc sản xuất và chúng có liên quan đến cảm giác mệt mỏi và kích động dai dẳng có thể khiến ai đó dễ mắc sai lầm trong công việc (Gold và cộng sự, 1992; Presser, 1995).

Làm việc theo ca luân phiên có tác động toàn thể đến cuộc sống và trải nghiệm của các cá nhân tham gia vào loại công việc đó. Nó được minh họa rõ ràng trong các câu chuyện được báo cáo trong một nghiên cứu định tính về nghiên cứu kinh nghiệm của các y tá trung niên làm việc theo ca luân phiên (West, Boughton & Byrnes , 2009). Một số y tá được phỏng vấn nhận xét rằng lịch trình làm việc của họ ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với gia đình. Một trong những y tá nói: “Nếu bạn có một người bạn đời làm công việc thường xuyên từ 9 giờ sáng đến 5 chiều theo giờ hành chính thì khả năng cao bạn sẽ dành được thời gian vui vẻ với họ khi bạn không cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Đó là một trong những vấn đề mà tôi đã gặp phải.” (West và cộng sự, 2009, trang 114).