Bạn có tự nguyện giúp đỡ người khác không? Hành vi tự nguyện với mục đích giúp đỡ người khác được gọi là hành vi thuận xã hội [prosocial behavior]. Tại sao mọi người lại giúp đỡ người khác? Có phải lợi ích cá nhân hoặc cảm thấy hài lòng về bản thân là lý do duy nhất để mọi người giúp đỡ nhau không? Nghiên cứu cho thấy có nhiều lý do khác. Chủ nghĩa vị tha [altruism] là mong muốn giúp đỡ người khác của mọi người ngay cả khi lợi ích của sự giúp đỡ đem về ít hơn so với công sức, chi phí mà bạn bỏ ra để giúp đỡ người khác. Trên thực tế, những người hành động theo cách vị tha có thể coi thường các chi phí cá nhân liên quan đến việc giúp đỡ (Hình 1). Ví dụ, các tin tức về vụ khủng bố 11/9 vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York cho biết một nhân viên ở tòa tháp đầu tiên đã giúp đồng nghiệp của anh ta đến được cầu thang thoát hiểm. Sau khi giúp một đồng nghiệp đến nơi an toàn, anh ấy quay trở lại tòa nhà đang cháy để giúp những đồng nghiệp khác. Trong trường hợp này, cái giá phải trả cho sự giúp đỡ là rất lớn, có thể coi là dùng mạng sống của chính mình để giúp đỡ người khác chỉ dù người được cứu sống chỉ thể nói lời cám ơn, và người anh hùng này đã mất mạng trong đống hoang tàn đổ nát (Stewart, 2002).

Hình 1

Một số nhà nghiên cứu cho rằng lòng vị tha hoạt động dựa trên sự đồng cảm. Đồng cảm là khả năng thấu hiểu quan điểm của người khác, cảm nhận những gì họ cảm thấy. Người có năng lực đồng cảm tạo ra một kết nối tình cảm với những người khác và cảm thấy bắt buộc phải giúp đỡ (Batson, 1991). Các nhà nghiên cứu khác cho rằng lòng vị tha là một hình thức giúp đỡ mà không được thúc đẩy bởi lợi ích hoặc chỉ để khiến bản thân cảm thấy thoải mái. Chắc chắn rằng sau khi giúp đỡ, mọi người cảm thấy hài lòng về bản thân, nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là hệ quả của lòng vị tha chứ không phải nguyên nhân. Các nhà nghiên cứu khác cho rằng giúp đỡ luôn mang tính phục vụ bản thân vì cái tôi của chúng ta cũng tham gia và chúng ta nhận được lợi ích từ việc giúp đỡ (Cialdini, Brown, Lewis, Luce và Neuberg 1997). Thật khó để xác định bằng thực nghiệm động cơ thực sự để giúp đỡ, cho dù đó chủ yếu là phục vụ bản thân (chủ nghĩa vị kỷ) hay vị tha (chủ nghĩa vị tha). Do đó, một cuộc tranh luận về việc liệu lòng vị tha thuần túy có tồn tại hay không vẫn tiếp tục.