Quá trình nhận thức Trí thông minh Phân loại trí thông minh

Trí thông minh là gì? Đây là một khái niệm được chỉnh sửa nhiều lần từ lần đầu xuất hiện. Tâm lý gia người Anh, Charles Spearman, cho rằng trí thông minh chứa đựng một yếu tố tổng quát, có thể đo lường và so sánh giữa mỗi cá nhân. Spearman chú trọng vào những yếu tố tương đồng trong năng lực trí tuệ và không chú trọng vào những yếu tố riêng biệt. Thời điểm trước khi tâm lý học phát triển, triết gia Aristotle cũng từng nêu góc nhìn như trên (Cianciolo & Sternberg, 2004).

Bên cạnh khái niệm đó, nhiều tâm lý gia khác lại cho rằng khái niệm trí thông minh là tổng hợp của nhiều năng lực khác nhau. Thập niên những năm 1940, Raymond Cattell đề ra một giả thuyết về trí thông minh, được chia thành hai yếu tố: trí thông minh cứng (kết tinh) và trí thông minh mềm (Cattell, 1963). Trí thông minh cứng (kết tinh) là năng lực vận dụng kiến thức đã có để giải quyết vấn đề hiện tại. Ví dụ khi chúng ta học, ghi nhớ và nhớ lại thông tin, chúng ta đang sử dụng trí thông minh được kết tinh. Chúng ta sử dụng trí thông minh kết tinh mọi lúc trong quá trình học tập của mình bằng cách thể hiện chúng ta đã hiểu toàn bộ thông tin của môn học. Yếu tố thứ hai là trí thông minh mềm, được định nghĩa là năng lực giải quyết vấn đề mới khi những kinh nghiệm của bản thân không thể giúp cá nhân đưa ra một giải pháp. Nó liên quan đến lập luận quy nạp và cách giải quyết sáng tạo. Với những thử thách phức tạp, trừu tượng sẽ do trí thông minh mềm giải quyết. Với những dạng vấn đề rõ ràng, cụ thể thì sẽ do trí thông minh cứng giải quyết (Cattell, 1963).

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng trí thông minh nên được định nghĩa bằng thuật ngữ thực tiễn. Ví dụ, loại hành vi nào sẽ giúp bạn vượt lên phía trước? Năng lực nào giúp mình thành công? Hãy nghĩ thử, nếu có thể kể tên 45 vị tổng thống nước Mỹ liền mạch theo thứ tự, liệu năng lực này có khiến chúng ta là người tốt hơn?

Robert Sternberg đã phát triển một lý thuyết trí thông minh ba hợp phần (Sternberg, 1988), gồm: tính thực tiễn, tính sáng tạo và tính phân tích (Hình 1).

Hình 1

Trí thông minh ứng dụng thường được so sánh với “kiến thức từ đời sống” [street smarts]. Trong đời sống hằng ngày, khi bạn tìm được giải pháp cho công việc áp dụng kiến thức từ kinh nghiệm, đây gọi là tính thực tiễn. Trí thông minh ứng dụng tách biệt so với trí thông minh truyền thống IQ; khi một người có thể có chỉ số trí thông minh ứng dụng cao, họ có thể hoặc không thể có chỉ số tương ứng ở trí thông minh phân tích và trí thông minh sáng tạo (Sternberg, 1988).

Trí thông minh phân tích có thể gần với các kỹ năng hàn lâm, tính toán ở trường học. Theo Sternberg, trí thông minh phân tích được minh họa bởi năng lực phân tích, lượng giá, đánh giá, so sánh và phân tách. Trong tiết Văn học, đọc một cuốn tiểu thuyết, mục tiêu là phân tích động cơ của nhân vật chính hoặc phân tích bối cảnh lịch sử. Trong tiết Khoa học, như môn Giải phẫu, bạn cần học về hệ thống vận hành trong cơ thể, như các khoáng chất đã thẩm thấu như thế nào. Để có thể hiểu các chủ đề này, bạn cần trí thông minh phân tích. Trong tiết Toán học, bạn cần trí thông minh này để giải các bài toán khó.

Trí thông minh sáng tạo được gắn với năng lực sáng chế, năng lực hình dung giải pháp cho một tình huống hoặc một vấn đề. Nó bao gồm năng lực tìm một giải pháp mới cho một vấn đề bất ngờ hoặc sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật. Hãy hình dung nếu bạn đang đi cắm trại và quên chiếc bình pha cà phê, một người trong nhóm tìm được cách pha cà phê mà không cần dùng bình lọc, mọi người sẽ tán thưởng cho trí thông minh sáng tạo vượt trội của người nọ.

Howard Gardner, tâm lý gia ở Harvard và học trò tiêu biểu của Erik Erikson, phát triển thuyết đa trí thông minh. Học thuyết này đã được nghiên cứu trong 30 năm và là một học thuyết tiên tiến hơn so với các học thuyết về trí thông minh khác. Theo ông, con người sở hữu ít nhất 8 trí thông minh, trong đó, con người sẽ trội ở một số dạng và kém hơn hơn các dạng còn lại (Gardner, 1983). Bảng 7.4 ở đây miêu tả cụ thể các loại trí thông minh.

Thuyết của Gardner khá mới và cần thêm những nghiên cứu để có nền tảng chắc chắn hơn. Hiện nay, so với trí thông minh truyền thống, ý tưởng mới này mở rộng ra nhiều dạng năng lực hơn, tuy nhiên có nghiên cứu cho rằng, những loại trí thông minh Gardner đề ra khá tương đồng với các kiểu tư duy (Morgan, 1996). Thêm vào đó, có nhiều khó khăn để phát triển phương pháp đo lường theo hướng truyền thống với các trí thông minh từ thuyết của Gardner (Furnham, 2009; Gardner & Moran, 2006; Klein, 1997).

Trí thông minh nội tâm (inter-intelligence) và trí thông minh tương tác cá nhân (intra-intelligence) có thể gộp chung thành: trí thông minh cảm xúc. Đây là loại trí thông minh bao gồm: năng lực hiểu cảm xúc của bản thân và người khác, biểu đạt cảm xúc hoặc thấu cảm, năng lực nhìn nhận và hiểu mối quan hệ xã hội, năng lực điều chỉnh cảm xúc, năng lực phản hồi hợp lý với nền văn hóa (Parker, Saklofske, & Stough, 2009). Khi một người sở hữu chỉ số trí thông minh cảm xúc cao, cũng có thể hiểu kỹ năng tương tác xã hội của họ khá hoàn thiện. Nhiều nhà nghiên cứu, như Daniel Goleman, tác giả cuốn sách “Trí thông minh cảm xúc: vì sao quan trọng hơn IQ?”, tranh cãi về vấn đề thành công nên dựa vào trí thông minh cảm xúc hơn là trí thông minh truyền thống (Goleman, 1995). Tuy nhiên, trí thông minh cảm xúc là một chủ đề gây tranh cãi vì khó để đưa ra định nghĩa rõ ràng, cũng như gặp khó khăn trong công cụ đo lường thống kê (Locke, 2005; Mayer, Salovey, & Caruso, 2004).

Học thuyết về năng lực tư duy của Cattell-Horn-Carroll (CHC) là học thuyết nói về trí thông minh theo cách toàn diện và dễ hiểu nhất (Schneider & McGrew, 2018). Trong đó, các năng lực được sắp xếp tương quan và theo thứ bậc, những năng lực tổng quát [general abilities] ở hàng trên cùng, năng lực đại cương [broad abilities] ở giữa, và năng lực cô đọng (hay có thể gọi là năng lực hẹp) [narrow abilities] ở cuối. Những năng lực cô đọng là loại dễ dàng đo lường; và có kết nối với năng lực khác. Năng lực chung [general] là trí thông minh chung. 

Trí thông minh cũng có thể có những ý nghĩa và giá trị khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau. Nếu bạn sống trên một hòn đảo nhỏ, nơi hầu hết mọi người kiếm thức ăn bằng cách đánh bắt cá trên tàu thì điều quan trọng là bạn phải biết cách đánh cá và cách sửa chữa thuyền. Nếu bạn là một người đánh cá xuất chúng, bạn bè của bạn có thể sẽ coi bạn là người thông minh. Nếu bạn cũng có kỹ năng sửa chữa tàu thuyền, trí thông minh của bạn có thể được cả hòn đảo biết đến. Hãy nghĩ về văn hóa của gia đình bạn. Những giá trị nào là quan trọng đối với các gia đình ở Việt Nam, ở Mỹ? Trong các gia đình người Ireland , lòng hiếu khách và kể một câu chuyện thú vị đầy tính giải trí là dấu ấn của văn hóa. Nếu bạn là một người kể chuyện khéo léo, các thành viên khác của nền văn hóa Ireland có khả năng coi bạn là người thông minh.

Một số nền văn hóa coi trọng việc làm việc cùng nhau như một tập thể. Trong những nền văn hóa này, tầm quan trọng của nhóm thay thế tầm quan trọng của thành tích cá nhân. Khi bạn đến thăm một nền văn hóa như vậy, mức độ bạn liên hệ với các giá trị của nền văn hóa đó thể hiện trí tuệ văn hóa của bạn, đôi khi được gọi là năng lực văn hóa.