Quá trình nhận thức Trí thông minh Nguồn gốc trí thông minh

Một cô bé, cha mẹ của cô bé sinh ra cô khi vẫn còn trong độ tuổi vị thành niên, cô bé sống với bà ngoại ở vùng nông thôn Mississippi. Họ nghèo - rất nghèo - nhưng họ cố gắng hết sức để sống qua ngày. Cô bé học đọc khi chỉ mới 3 tuổi. Khi lớn lên, cô mong muốn được sống với mẹ mình, người hiện đang sống ở Wisconsin. Cô bé chuyển đến đó khi 6 tuổi. Năm 9 tuổi, cô bị cưỡng hiếp. Trong vài năm sau đó, cô bé bị nhiều người họ hàng khác nhau liên tục quấy rối. Cuộc đời cô bé như vỡ tan thành từng mảnh. Cô tìm đến ma túy và tình dục để lấp đầy khoảng trống sâu thẳm, cô đơn trong lòng mình. Sau đó, mẹ cô gửi cô đến Nashville để sống với cha cô, người đã áp đặt những kỳ vọng nghiêm ngặt về hành vi đối với cô, và theo thời gian, cuộc sống đầy bão táp của cô dần trở nên ổn định. Cô bắt đầu đạt được thành tựu ở trường học, và ở tuổi 19, cô trở thành người dẫn chương trình Mỹ gốc Phi đầu tiên và trẻ nhất trong lịch sử. Người phụ nữ này, là Oprah Winfrey, tiếp tục trở thành một cái tên khổng lồ trong lĩnh vực truyền thông, luôn được biết đến với sự thông minh duyên dáng và khả năng đồng cảm của mình.

Trí thông minh cao đến từ đâu? Một số nhà nghiên cứu tin rằng trí thông minh là một đặc điểm được thừa hưởng từ cha mẹ của mỗi cá thể. Các nhà khoa học nghiên cứu chủ đề này thường sử dụng nghiên cứu các cặp sinh đôi để xác định khả năng di truyền của trí thông minh. Trung tâm nghiên cứu sinh đôi và gia đình ở bang Minnesota là một trong những nghiên cứu nổi tiếng nhất về các cặp song sinh. Trong cuộc điều tra này, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các cặp song sinh giống hệt nhau được nuôi dưỡng cùng nhau, và các cặp song sinh giống hệt nhau được nuôi dạy ở môi trường khác nhau lại thể hiện mối tương quan giữa điểm IQ của họ cao hơn so với anh chị em hoặc anh em sinh đôi được nuôi cùng nhau (Bouchard, Lykken, McGue, Segal, & Tellegen, 1990). Những phát hiện từ nghiên cứu này cho thấy một thành phần di truyền đối với trí thông minh. Đồng thời, các nhà tâm lý học khác tin rằng trí thông minh được hình thành bởi môi trường phát triển của trẻ. Nếu cha mẹ cung cấp cho con cái họ những kích thích trí tuệ từ trước khi chúng được sinh ra, có khả năng chúng sẽ hấp thụ những lợi ích của sự kích thích đó, và nó sẽ được phản ánh lên mức độ thông minh.

Thực tế thì các khía cạnh của mỗi ý tưởng đều có thể đúng. Một nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù di truyền dường như kiểm soát mức độ thông minh, nhưng những ảnh hưởng từ môi trường mới cung cấp cả sự ổn định và thay đổi để kích hoạt khả năng nhận thức (Bartels, Rietveld, Van Baal, & Boomsma, 2002). Chắc chắn rằng, có những hành vi có tác dụng đóng góp cho sự phát triển của trí thông minh, nhưng không nên bỏ qua yếu tố di truyền của nó. Tuy nhiên, cũng như tất cả các đặc điểm di truyền khác, không phải lúc nào người ta cũng có thể phân tách được cách thức và thời điểm nào trí thông minh được di truyền cho thế hệ tiếp theo.

Phạm vi phản ứng là lý thuyết cho rằng mỗi người phản ứng với môi trường theo một cách riêng dựa trên cấu tạo gen của họ. Theo ý tưởng này, tiềm năng di truyền của bạn là một số lượng cố định, nhưng liệu bạn có đạt được tiềm năng trí tuệ đầy đủ hay không là phụ thuộc vào kích thích môi trường mà bạn trải qua, đặc biệt là trong thời thơ ấu. Hãy nghĩ về tình huống này. Một cặp vợ chồng nhận nuôi một đứa trẻ có tiềm năng trí tuệ di truyền trung bình. Họ nuôi dạy cô trong một môi trường cực kỳ kích thích tích cực. Điều gì sẽ xảy ra với con gái mới của cặp vợ chồng? Có khả năng là môi trường kích thích sẽ cải thiện kết quả trí tuệ của cô ấy trong suốt cuộc đời. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thí nghiệm này bị đảo ngược? Nếu một đứa trẻ có nền tảng di truyền cực kỳ mạnh được đặt trong một môi trường không kích thích. Điều gì sẽ xảy ra? Điều thú vị là, theo một nghiên cứu cắt dọc về các cá nhân có năng khiếu cao, người ta thấy rằng “ở cả hai thái cực của sự trải nghiệm: xuất chúng và bệnh tật, đều được biểu hiện một cách bất cân xứng trong tiểu sử của những cá nhân có tính sáng tạo”; tuy nhiên, những người trải qua môi trường được gia đình hỗ trợ có nhiều khả năng cho biết họ đang hạnh phúc hơn (Csikszentmihalyi & Csikszentmihalyi, 1993, trang 187).

Một thách thức khác để xác định nguồn gốc của trí thông minh là tính chất hỗn tạp của cấu trúc xã hội loài người của chúng ta. Thật đáng lo ngại khi lưu ý rằng một số dân tộc thực hiện bài kiểm tra IQ tốt hơn những nhóm dân tộc khác — và có vẻ như kết quả không liên quan nhiều đến chất lượng trí tuệ của mỗi dân tộc. Điều này cũng đúng đối với tình trạng kinh tế xã hội. Trẻ em sống trong cảnh nghèo đói phải chịu nhiều áp lực hàng ngày hơn những trẻ không lo lắng về các nhu cầu cơ bản về an toàn, nơi ở và thực phẩm. Những lo lắng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cách thức hoạt động và phát triển của não, gây ra sự sụt giảm điểm số IQ. Mark Kishiyama và các đồng nghiệp của ông đã xác định rằng trẻ em sống trong cảnh nghèo đói cho thấy chức năng não trước trán bị suy giảm tương đương với trẻ bị tổn thương vỏ não trước trán (Kishyama, Boyce, Jimenez, Perry, & Knight, 2009).

Cuộc tranh luận xung quanh nền tảng ban đầu và yếu tố ảnh hưởng từ môi trường đến trí thông minh bùng nổ vào năm 1969, khi một nhà tâm lý học giáo dục tên là Arthur Jensen xuất bản bài báo “Chúng ta có thể tăng cường thành tích IQ đến mức nào?” trên Tạp chí Giáo dục Harvard. Jensen đã thực hiện các bài kiểm tra IQ cho nhiều nhóm học sinh khác nhau, và kết quả của ông đã đưa ông đến kết luận rằng chỉ số IQ được xác định bởi di truyền. Ông cũng cho rằng trí thông minh được tạo thành từ hai loại khả năng: Cấp độ I và Cấp độ II. Theo lý thuyết của ông, Cấp độ I chịu trách nhiệm về khả năng ghi nhớ thuộc lòng, trong khi Cấp độ II chịu trách nhiệm về khả năng khái niệm và phân tích. Theo phát hiện của ông, Cấp độ I vẫn nhất quán giữa loài người. Tuy nhiên, cấp độ II thể hiện sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc (Modgil & Routledge, 1987). Kết luận gây tranh cãi nhất của Jensen là trí thông minh Cấp độ II phổ biến ở người châu Á, sau đó là người da trắng, sau đó là người Mỹ gốc Phi. Robert Williams là một trong số những người đã chỉ ra định kiến về phân biệt chủng tộc trong kết quả của Jensen (Williams, 1970).

Rõ ràng, cách giải thích của Jensen về dữ liệu của ông đã gây ra những phản ứng dữ dội ở một số quốc gia, nơi con người luôn phải vật lộn với tác động của sự phân biệt chủng tộc (Fox, 2012). Tuy nhiên, ý tưởng của Jensen không đơn lẻ hay độc nhất; đúng hơn, điều này đại diện cho một trong nhiều ví dụ của các nhà tâm lý học khẳng định sự khác biệt chủng tộc trong chỉ số IQ và khả năng nhận thức. Trên thực tế, Rushton và Jensen (2005) đã xem xét các nghiên cứu rất có giá trị trong ba thập kỷ về mối quan hệ giữa chủng tộc và khả năng nhận thức. Jensen tin tưởng vào bản chất di truyền của trí thông minh và giá trị của bài kiểm tra IQ để trở thành thước đo trí tuệ trung thực nhất là cốt lõi trong kết luận của ông. Tuy nhiên, nếu bạn tin rằng trí thông minh rộng lớn hơn cách phân loại Cấp I và II, hoặc tin rằng các bài kiểm tra IQ không kiểm soát được sự khác biệt về kinh tế xã hội và văn hóa giữa con người, thì có lẽ bạn có thể bác bỏ kết luận của Jensen như một góc nhìn từ chiếc cửa sổ duy nhất nhìn ra sự phức tạp và đa dạng cảnh quan về trí tuệ của con người.