Quá trình nhận thức Ngôn ngữ Sự phát triển của ngôn ngữ

Do sự phức tạp của một ngôn ngữ, chúng ta cho rằng thông thạo một ngôn ngữ sẽ là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, đặc biệt là đối với những người đang cố gắng học ngôn ngữ thứ hai khi ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ nhỏ thông thạo ngôn ngữ mới rất nhanh và tương đối dễ dàng. B. F. Skinner (1957) cho  rằng ngôn ngữ được học thông qua việc củng cố. Noam Chomsky (1965) đã chỉ trích cách tiếp cận này của Skinner, thay vào đó ông rằng các cơ chế tiếp thu ngôn ngữ được xác định về mặt sinh học. Trẻ em đến từ các nền văn hóa và nguồn gốc khác nhau thì dường như tuân theo một mô hình rất giống nhau trong việc phát triển tính khả dụng của ngôn ngữ mà không có bất kì chỉ dẫn nào. Do đó, có vẻ như chúng ta được sinh ra với khả năng bẩm sinh về mặt sinh học để tiếp thu một ngôn ngữ (Chomsky, 1965; Fernández & Cairns, 2011). Thêm vào đó, dường như có một giai đoạn quan trọng đối với việc tiếp thu ngôn ngữ, đó chính là giai đoạn đầu đời của mỗi người chúng ta. Nói chung, khi con người già đi, sự tiếp thu và thông thạo các ngôn ngữ mới giảm dần (Johnson & Newport, 1989; Lenneberg, 1967; Singleton, 1995).

Trẻ em bắt đầu học ngôn ngữ từ rất sớm (bảng 7.1). Trên thực tế, quá trình này xuất hiện trước khi trẻ được sinh ra. Trẻ sơ sinh sẽ thể hiện sự yêu thích với tiếng nói của người mẹ, có thể phân biệt được giọng nói của mẹ với những âm thanh khác. Trẻ có biểu hiện hướng về âm thanh quen thuộc, cũng như hướng đến video có gương mặt và tiếng nói đồng điệu hơn là những video thiếu sự đồng điệu (Blossom & Morgan, 2006; Pickens, 1994; Spelke & Cortelyou, 1981).

Ở những phần trước, chúng ta có đề cập về âm vị và hình vị trong ngôn ngữ, âm vị là đơn vị cơ bản tạo thành hình vị, từ ngữ. Trẻ em có khả năng phân biệt âm thanh tạo nên  ngôn ngữ (ví dụ, trẻ phân biệt được âm /s/ trong từ vision và âm /ss/ trong từ fission); khoảng thời gian sơ sinh, trẻ có thể phân biệt âm thanh khác nhau của các ngôn ngữ khác nhau, kể cả những ngôn ngữ không xuất hiện trong môi trường sống của trẻ. Khi trẻ được 1 năm tuổi, trẻ chỉ còn có thể phân biệt các âm vị từ ngôn ngữ được nghe thấy trong môi trường sinh sống (Jensen, 2011; Werker & Lalonde, 1988; Werker & Tees, 1984).

Một vài tháng sau khi chào đời, trẻ bắt đầu giai đoạn bập bẹ, đây là thời kỳ trẻ phát ra âm đơn, được lặp lại nhiều lần. Theo thời gian, trẻ sẽ phát ra nhiều âm đa dạng hơn. Đây không phải là giai đoạn trẻ đang giao tiếp, trẻ chỉ đang bập bẹ khi ở cùng người chăm sóc (Fernández & Cairns, 2011). Theo một nghiên cứu, ngay cả trong môi trường giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, trẻ sẽ bập bẹ bằng cử chỉ đôi tay (Petitto, Holowka, Sergio, Levy, & Ostry, 2004).

Thông thường, từ đầu tiên của trẻ được thốt ra vào khoảng thời gian từ 12 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi và trong vài tháng tiếp theo trẻ sẽ tiếp tục nói từ đơn. Trong thời gian này, trẻ biết một số từ, nhưng chúng chỉ nói được một từ. Vốn từ vựng ban đầu của trẻ chỉ giới hạn trong các đồ vật hoặc sự kiện quen thuộc, thường là danh từ. Mặc dù trẻ em trong giai đoạn này chỉ nói được những từ đơn nhưng những từ này thường mang ý nghĩa rộng hơn (Fernández & Cairns, 2011). Vì vậy, ví dụ, khi đứa trẻ nói “bánh quy” có thể hiểu là “bánh quy” hoặc là trẻ muốn xin một cái bánh quy.

Khi lớn hơn, vốn từ của trẻ được mở rộng, trẻ nhanh chóng nói được những câu đơn giản và học từ mới rất nhanh. Thêm vào đó, trẻ dần hiểu được quy tắc trong ngôn ngữ trẻ đang sử dụng. Kể cả với lỗi sai khi sử dụng cũng là cách để giúp trẻ hiểu và sử dụng ngôn ngữ tốt hơn. Điều này đôi khi được nhìn thấy dưới dạng khái quát hóa quá mức. Trong ngữ cảnh này, khái quát hóa quá mức đề cập đến phần mở rộng của quy tắc ngôn ngữ thành một ngoại lệ đối với quy tắc (có thể hiểu là phần bất quy tắc). Ví dụ, trong tiếng Anh, ta sẽ thêm “s” vào cuối danh từ biểu hiện số nhiều, một con chó [a dog] và hai con chó [two dogs]. Trẻ em hiểu được quy tắc và áp dụng quy tắc một cách khái quát hóa quá mức với tất cả các từ, như hai con ngỗng [two gooses] hoặc ba con chuột [three mouses] (Moskowitz, 1978).