Nguyên do gì chúng ta làm điều gì đó? Động lực nào thúc đẩy hành vi là gì? Động lực mô tả mong muốn hoặc nhu cầu hướng hành vi hướng tới mục tiêu. Bên cạnh động cơ sinh học, động cơ có thể là nội tại (phát sinh từ các yếu tố bên trong) hoặc ngoại sinh (phát sinh từ các yếu tố bên ngoài) (Hình 4). Hành vi động cơ nội tại được thực hiện bởi cảm giác thỏa mãn cá nhân mà chúng mang lại, trong khi các hành vi có động cơ bên ngoài được thực hiện để nhận được thứ gì đó từ người khác.

Hình 4

Hãy nghĩ về lý do bạn đang đi học đại học. Có phải vì bạn yêu thích học tập và có nền giáo dục vững chắc, trở nên một con người hoàn thiện hơn? Nếu có, nghĩa là bạn có động lực nội tại. Nếu không, mà vì bạn muốn có một công việc lương cao để hài lòng bố mẹ, nghĩa là động lực ngoại sinh. 

Lý thuyết về động lực

Thực tế, động lực là sự kết hợp của cả yếu tố nội tại và ngoại sinh, nhưng bản chất của sự kết hợp của những yếu tố này có thể thay đổi theo thời gian (thường là những không theo trực giác). Có một câu ngạn ngữ cổ: “Hãy chọn một công việc mà bạn yêu thích và bạn sẽ không bao giờ phải làm việc một ngày nào trong đời”, nghĩa là nếu bạn thích nghề nghiệp của mình thì công việc dường như không giống như bạn làm việc. Một số nghiên cứu cho rằng điều này không nhất thiết phải như thế (Daniel & Esser, 1980; Deci, 1972; Deci, Koestner, & Ryan, 1999).Việc nhận được một số hình thức củng cố ngoại sinh (được trả tiền) để tham gia vào các hành vi mà chúng ta yêu thích dẫn đến những hành vi đó được coi là công việc không còn mang lại sự thích thú đó nữa. Vì thế, khi vắng mặt sự củng cố ngoại sinh, ta chọn cách dành ít thời gian tham gia vào các hành vi đã được tái phân loại. Ví dụ, Hà rất thích làm bánh nên những lúc rảnh rỗi, cô ấy làm bánh cho vui. Thông thường, sau khi xếp hàng ở cửa hàng tạp hóa, cô ấy thường lấy bánh ngọt vào buổi tối vì thích nướng bánh. Khi một đồng nghiệp trong bộ phận làm bánh của cửa hàng nghỉ việc, Odessa nộp đơn xin vào vị trí của anh ta và được chuyển sang bộ phận làm bánh. Mặc dù cô ấy thích những gì cô ấy làm trong công việc mới của mình, sau một vài tháng, cô ấy không còn có nhiều mong muốn pha chế các món ăn ngon vào thời gian rảnh. Nướng bánh đã trở thành một công việc thay đổi động lực làm việc đó của cô ấy. Những gì Hà đã trải qua được gọi là hiệu ứng thái quá - động lực nội tại giảm đi khi động lực bên ngoài đưa đẩy. Điều này có thể dẫn đến việc dập tắt động lực bên trong và tạo ra sự phụ thuộc vào phần thưởng bên ngoài để tiếp tục hoạt động (Deci và cộng sự, 1999),

Các nghiên cứu khác cho thấy rằng động lực nội tại có thể không dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài và trên thực tế, những động lực như khen ngợi bằng lời nói thực sự có thể làm tăng động lực nội tại (Arnold, 1976; Cameron & Pierce, 1994). Trong trường hợp đó, động lực nướng bánh vào thời gian rảnh của Odessa có thể vẫn lớn nếu khách hàng thường xuyên khen ngợi kỹ năng làm bánh hoặc trang trí bánh của cô ấy.

Những trái ngược trong phát hiện của các nhà nghiên cứu có thể được hiểu bằng cách xem xét một số yếu tố sau đây. Đối với một cá nhân, sự củng cố về vật chất (chẳng hạn như tiền bạc) và củng cố bằng lời (chẳng hạn như khen ngợi) có thể ảnh hưởng đến cá nhân đó theo những cách rất khác nhau. Trên thực tế, phần thưởng hữu hình (tức là tiền) có xu hướng có nhiều tác động tiêu cực đến động lực nội tại [intrinsic motivator] hơn là phần thưởng vô hình (tức là khen ngợi). Hơn thế nữa, kỳ vọng về động lực ngoại sinh [extrinsic motivator] của một cá nhân là điều mang tính quyết định: Nếu người đó mong đợi nhận được phần thưởng ngoại sinh, thì động lực nội tại đối với nhiệm vụ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, nếu kiểu kỳ vọng như vậy không tồn tại, và động lực ngoại sinh được trao thưởng như một điều bất ngờ, thì động lực nội tại cho nhiệm vụ có xu hướng tồn tại lâu dài (Deci và cộng sự, 1999).

Thêm vào đó, văn hóa cũng là yếu tố có thể ảnh hưởng đến động lực. Ví dụ, trong các nền văn hóa tập thể, việc bạn thường làm mọi việc cho gia đình mình bởi vì sự ưu tiên hàng đầu là cho tập thể và điều gì tốt nhất cho cả tập thể chứ không phải tốt nhất cho bất kỳ cá nhân nào, là hoàn toàn bình thường (Nisbett, Peng, Choi, & Norenzayan, 2001). Sự tập trung vào người khác cung cấp một góc nhìn rộng hơn mà ở đó tính đến sự ảnh hưởng của tình huống và văn hóa đối với hành vi; do đó, với cách giải thích hơi khác một chút về nguyên nhân dẫn đến hành vi của những người này cũng trở nên hợp lý hơn. (Bạn sẽ hiểu thêm về văn hóa chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân khi bạn học về tâm lý xã hội.)

Trong môi trường giáo dục, học sinh có nhiều cơ hội được trải nghiệm động lực học tập nội tại hơn khi chúng cảm nhận được cảm giác thân thuộc và được tôn trọng trong lớp học. Sự nội bộ hóa này có thể được nâng cao nếu các khía cạnh đánh giá học sinh của trường lớp không được quá nhấn mạnh và nếu học sinh cảm thấy rằng mình có quyền tự chủ trong môi trường học tập. Hơn nữa, việc cung cấp cho học sinh những hoạt động có tính thách thức nhưng hoàn toàn khả thi để hoàn thành, cùng với lí do tham gia hợp lý tạo được hứng thú tham gia vào các hoạt động học tập khác nhau có thể nâng cao động lực nội tại cho việc hoàn thành những nhiệm vụ đó (Niemiec & Ryan, 2009). Hãy xem xét Hakim, một sinh viên luật năm thứ nhất với hai môn học trong học kỳ này: Luật Gia đình và Luật Hình sự. Giáo sư Luật Gia đình có một lớp học khá đáng sợ: Ông thích đặt học sinh vào tình huống phải trả lời những câu hỏi hóc búa, điều này thường khiến học sinh cảm thấy bị coi thường hoặc bị mất mặt. Điểm số hoàn toàn dựa trên các câu hỏi giải đố và bài kiểm tra, và vị giáo sự này sẽ dán kết quả của mỗi bài kiểm tra trên cửa lớp học. Ngược lại, giáo sư Luật Hình sự tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận trong lớp học và các buổi phản biện đầy sự tôn trọng trong các nhóm nhỏ. Phần lớn điểm của khóa học không dựa trên kỳ thi mà đặt trọng tâm vào dự án nghiên cứu do sinh viên thiết kế về một vấn đề tội phạm mà sinh viên đó lựa chọn. Nghiên cứu cho thấy trong trường hợp này Hakim sẽ ít có động lực nội tại khi học môn Luật Gia đình của cậu ấy, nơi học sinh bị đe dọa trong môi trường học và tập trung vào đánh giá thành tích từ giáo viên hướng dẫn. Hakim có khả năng sẽ trải nghiệm động lực nội tại ở mức độ cao hơn trong khóa học Luật Hình sự của mình, nơi mà môi trường học khuyến khích sự hợp tác toàn diện, tôn trọng các ý tưởng và nơi sinh viên có nhiều sức ảnh hưởng hơn đến các hoạt động học tập của chính họ.

William James (1842–1910) là người đã đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu ban đầu về động lực, và ông thường được coi là cha đẻ của ngành tâm lý học ở Hoa Kỳ. James đưa ra giả thuyết rằng hành vi được thúc đẩy bởi một số bản năng, giúp ta sinh tồn. Từ góc độ sinh học, bản năng là một kiểu mẫu hành vi đặc trưng của giống loài mà không hề được học. Tuy nhiên, đã có những tranh cãi đáng kể giữa James và những người cùng thời về định nghĩa chính xác của bản năng. James đã đề xuất hàng chục loại bản năng đặc biệt của con người, nhưng nhiều người cùng thời với ông lại liệt kệ một danh sách khác. Sự bảo hộ của người mẹ đối với đứa con của mình, thôi thúc muốn liếm hạt đường và săn mồi là một trong những hành vi của con người được coi là bản năng thực sự ở thời đại của James. Quan điểm này - cho rằng hành vi của con người được điều khiển bởi bản năng - đã nhận được rất nhiều chỉ trích vì vai trò không thể phủ nhận của việc học trong việc định hình tất cả các loại hành vi của con người. Trên thực tế, ngay từ những năm 1900, một số hành vi bản năng đã được thực nghiệm, chứng minh là kết quả của việc kết hợp học tập (hãy thử nhớ lại khi bạn học về điều kiện phản ứng sợ hãi của Watson trong thí nghiệm “Little Albert”) (Faris, 1921).

Một lý thuyết ban đầu khác về động lực đề xuất rằng việc duy trì cân bằng nội môi là đặc biệt quan trọng trong việc định hướng hành vi. Bạn có thể nhớ lại từ bài đọc trước đó của mình rằng cân bằng nội môi là xu hướng duy trì sự cân bằng, hoặc mức tối ưu, trong một hệ thống sinh học. Trong hệ thống cơ thể, một trung tâm điều khiển (thường là một phần của não) nhận đầu vào từ các thụ thể (thường là các phức hợp của các tế bào thần kinh). Trung tâm điều khiển chỉ đạo các cơ quan cảm ứng (có thể là các tế bào thần kinh khác) điều chỉnh bất kỳ sự mất cân bằng nào được phát hiện bởi trung tâm điều khiển.

Theo lý thuyết thúc đẩy động lực, những sai lệch trong cân bằng nội môi tạo ra nhu cầu vậy lý. Những nhu cầu này dẫn đến các trạng thái thúc đẩy tâm lý hướng hành vi để đáp ứng nhu cầu và cuối cùng, đưa hệ thống trở lại trạng thái cân bằng nội môi. Ví dụ, nếu đã lâu bạn chưa ăn, lượng đường trong máu của bạn sẽ giảm xuống dưới mức bình thường. Lượng đường trong máu thấp này sẽ tạo ra nhu cầu thể lý và trạng thái thúc đẩy tương ứng (tức là đói) sẽ thúc đẩy bạn tìm kiếm và tiêu thụ thức ăn. Ăn sẽ giúp loại bỏ cảm giác đói và cuối cùng, lượng đường trong máu của bạn sẽ trở lại bình thường. Thật thú vị, lý thuyết thúc đẩy cũng nhấn mạnh vai trò của thói quen đối với kiểu phản ứng hành vi mà chúng ta làm. Một thói quen là một khuôn mẫu hành vi mà chúng ta thường xuyên thực hiện. Một khi chúng ta đã thực hiện một hành vi làm giảm thành công một thúc đẩy, chúng ta có nhiều khả năng sẽ tự thực hiện hành vi đó bất cứ khi nào đối mặt với sự thúc đẩy đó trong tương lai (Graham & Weiner, 1996).

Các phần mở rộng của lý thuyết về sự thúc đẩy xem xét mức độ kích thích như là động lực tiềm năng. Khi bạn nhớ lại quá trình học tập của mình, những lý thuyết này khẳng định rằng có một mức độ kích thích tối ưu mà tất cả chúng ta đều cố gắng duy trì (Hình 5). Nếu chúng ta mệt mỏi [under-aroused], chúng ta sẽ cảm thấy buồn chán và sẽ tìm cách làm gì đó để tăng sự kích thích. Mặt khác, nếu chúng ta quá mức kích động [over-aroused] , chúng ta sẽ cần làm gì đó để giảm bớt sự kích thích của mình (Berlyne, 1960). Hầu hết các học sinh đều đã trải qua nhu cầu duy trì mức độ kích thích tối ưu trong suốt sự nghiệp học tập của mình. Hãy nghĩ về mức độ căng thẳng của học sinh vào cuối học kỳ mùa xuân. Các em đều cảm thấy choáng ngợp với những kỳ thi, lượng bài vở dường như là vô tận và cần phải được hoàn thành đúng hạn. Học sinh có lẽ rất khao khát muốn được nghỉ ngơi và thư giãn với kỳ nghỉ hè đang chờ đợi các em sắp tới. Tuy nhiên, khi kết thúc học kỳ, sẽ không mất quá nhiều thời gian để học sinh bắt đầu cảm thấy buồn chán. Nhìn chung, vào thời điểm bắt đầu học kỳ tiếp theo vào mùa thu, nhiều học sinh thường khá vui vẻ khi được trở lại trường. Đây là một ví dụ về cách thức hoạt động của lý thuyết thúc đẩy động lực bằng kích thích [arousal theory of motivation].

Hình5

Vậy mức độ tối ưu của kích thích là bao nhiêu? Mức độ nào sẽ dẫn đến hiệu suất tốt nhất? Nghiên cứu cho thấy kích thích với mức độ vừa phải nói chung là tốt nhất; khi kích thích ở mức rất cao hoặc rất thấp, hiệu suất có xu hướng bị ảnh hưởng (Yerkes & Dodson, 1908). Hãy nghĩ về mức độ kích thích của bạn khi tham gia kỳ thi cho lớp học này. Nếu mức kích thích của bạn rất thấp, chẳng hạn như cảm thấy buồn chán và thờ ơ, hiệu suất của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng. Tương tự, khi ở một mức rất cao, chẳng hạn như lo lắng tột độ, có thể làm tê liệt và cản trở hiệu suất. Hãy xem xét ví dụ về một đội bóng mềm đối mặt với một giải đấu. Họ được trông chờ thắng trận đầu tiên với một tỷ số cách biệt rất lớn, vì vậy họ bước vào trận đấu với tâm lý ít hưng phấn và đã bị đánh bại bởi một đội kém kỹ năng hơn.

Nhưng mức độ kích thích tối ưu thì phức tạp hơn chỉ là một câu trả lời đơn giản rằng: mức độ trung bình luôn là tốt nhất. Các nhà nghiên cứu Robert Yerkes (phát âm là “Yerk-EES”) và John Dodson đã phát hiện ra rằng mức độ kích thích tối ưu phụ thuộc vào độ phức tạp và khó khăn của nhiệm vụ được thực hiện (Hình 6). Mối quan hệ này được gọi là định luật Yerkes-Dodson, cho rằng một nhiệm vụ đơn giản được thực hiện tốt nhất khi mức độ kích thích tương đối cao và các nhiệm vụ phức tạp được thực hiện tốt nhất khi mức độ kích thích thấp hơn.

Hình 6

Niềm tin vào năng lực bản thân và Động lực xã hội

Niềm tin vào năng lực bản thân là niềm tin của mỗi người vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ của chính mình, bao gồm việc đã từng hoàn thành thành công trước đó một nhiệm vụ y hệt hoặc tương tự. Albert Bandura (1994) đã đưa ra giả thuyết rằng cảm giác tự tin vào năng lực của một cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành vi. Bandura cho rằng động lực bắt nguồn từ những kỳ vọng mà chúng ta có về hệ quả các hành vi của mình, và cuối cùng, chính việc tự đánh giá cao năng lực của chúng ta để làm điều gì đó sẽ quyết định những gì chúng ta làm và mục tiêu tương lai mà chúng ta tự đặt ra cho bản thân. Ví dụ, nếu bạn có niềm tin thật sự vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ ở mức tốt nhất, bạn sẽ có nhiều khả năng đảm nhận những nhiệm vụ đầy tính thách thức và không để những gian nan trắc trở ngăn cản bạn tiếp cận nhiệm vụ đến tận cùng.

Một số nhà lý thuyết đã tập trung nghiên cứu của họ vào việc tìm hiểu các động cơ xã hội (McAdams & Constantian, 1983; McClelland & Liberman, 1949; Murray và cộng sự, 1938). Trong số các động cơ mà họ mô tả chủ yếu là nhu cầu về thành tích, sự liên kết và sự thân mật. Đó là nhu cầu về thành tích thúc đẩy thành tích và hiệu suất. Nhu cầu liên kết khuyến khích các tương tác tích cực với người khác và nhu cầu thân mật thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa. Henry Murray và cộng sự (1938) đã phân loại các nhu cầu này thành các lĩnh vực. Ví dụ, nhu cầu về thành tích và sự công nhận thuộc phạm vi của tham vọng. Sự thống trị và hiếu chiến được công nhận là nhu cầu thuộc phạm vi quyền lực của con người, và vui chơi là nhu cầu được công nhận trong phạm vi về tình cảm giữa các cá nhân.

Tháp nhu cầu của Maslow

Trong khi các lý thuyết về động lực được mô tả trước đó liên quan đến các động cơ sinh học cơ bản, các đặc điểm nhân cách cá nhân hoặc bối cảnh xã hội, thì Abraham Maslow (1943) đã đề xuất một hệ thống phân cấp nhu cầu trải rộng từ các động cơ từ sinh học đến cá nhân đến xã hội. Những nhu cầu này thường được mô tả như một kim tự tháp (Hình 7).

Hình 7

Ở đáy của kim tự tháp là tất cả các nhu cầu thể lý cần thiết cho sự tồn tại. Tiếp nối là những nhu cầu cơ bản về được nhu cầu bảo vệ và an toàn, nhu cầu được yêu thương và cảm giác được thuộc về, và nhu cầu về giá trị bản thân và sự tự tin. Tầng cao nhất của kim tự tháp là nhu cầu hiện thực hóa lý tưởng của bản nhân, đây là nhu cầu được xem là tương đương với việc đạt được sự phát triển toàn diện về tiềm năng của một người và nó chỉ có thể được thực hiện khi các nhu cầu thấp hơn trên kim tự tháp đã được đáp ứng. Đối với Maslow và các lý thuyết gia theo chủ nghĩa nhân văn, quá trình hiện thực hóa phản ánh sự nhấn mạnh tính nhân văn đến các khía cạnh tích cực của bản chất con người. Maslow cho rằng đây là một quá trình liên tục, kéo dài cả cuộc đời và chỉ có một tỷ lệ nhỏ người thực sự đạt được trạng thái hiện thực hóa lý tưởng này (Francis & Kritsonis, 2006; Maslow, 1943).

Theo Maslow (1943), người ta phải được thỏa mãn những nhu cầu ở mức thấp hơn trước khi tính đến việc đáp ứng những nhu cầu cao hơn trên kim tự tháp. Vì vậy, chẳng hạn, nếu ai đó đang phải vật lộn để tìm đủ thức ăn đáp ứng nhu cầu được cung cấp dinh dưỡng của mình, thì rất khó có khả năng anh ta sẽ dành một khoảng thời gian dài để nghĩ xem người khác có xem mình là người tốt hay không. Thay vào đó, tất cả năng lượng của anh ấy sẽ chỉ hướng đến việc tìm kiếm thứ gì đó để ăn. Tuy nhiên, cần phải chỉ ra rằng lý thuyết của Maslow đã bị chỉ trích vì bản chất chủ quan và không có khả năng giải thích các hiện tượng xảy ra trong thế giới thực (Leonard, 1982). Một nghiên cứu khác gần đây đã đề cập về giai đoạn sau cuối của cuộc đời, Maslow đã đề xuất thêm một mức độ tự siêu việt [self-transcendence] trên cả mức hiện thực hóa lý tưởng cá nhân - để mô tả việc kiếm tìm ý nghĩa và mục đích vượt trên cả mối quan tâm về chỉ bản thân mình (Koltko-Rivera, 2006). Ví dụ, có người lựa chọn hy sinh bản thân để đưa ra một tuyên bố chính trị hoặc để cố gắng cải thiện điều kiện sống của người khác. Mohandas K. Gandhi, một người ủng hộ quyền độc lập nổi tiếng thế giới thông qua các cuộc biểu tình bất bạo động [non-violent protest], trong trường hợp này đã tuyệt thực để phản đối tình trạng xã hội lúc đó. Người ta có thể tự bỏ đói bản thân hoặc tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm để thực hiện những mục đích cao hơn cả nhu cầu của bản thân.